Ngọc Lan ·
1 năm trước
 1430

Giá vàng SJC tăng vượt 67,4 triệu đồng trong phiên giao dịch cuối tuần

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC tại một số doanh nghiệp đã bật lên ngưỡng 67,4 triệu đồng/lượng, các thương hiệu khác cũng đang rục rịch tăng giá.

Ghi nhận tại phiên giao dịch chiều nay ngày 12/9, Công ty Doji Hà Nội giao dịch vàng SJC từ 66,40-67,30 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn thông báo giá mua vào là 66,60 triệu đồng/lượng và bán ra là 67,40 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty Phú Quý tăng 150.000 đồng/lượng, giá vàng SJC niêm yết từ 66,50-67,30 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tăng vượt 67,4 triệu đồng trong phiên giao dịch cuối tuần.

Như vậy, với 3 phiên đi lên và 2 phiên giảm, tính chung 5 phiên gần đây, thương hiệu SJC tăng khoảng 300.000 đồng/lượng. Đáng chú ý, chênh lệch chiều mua và bán cũng rút ngắn khoảng 100.000 đồng/lượng so với tuần trước đó, dao động từ 700.000-800.000 đồng/lượng.

Sáng nay, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 53,03-53,88 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng. Dù vậy, so với phiên sáng đầu tuần, giá vàng Rồng Thăng Long giảm khoảng 210.000 đồng/lượng.

Còn trên thị trường thế giới, giá vàng của thế giới giao dịch ở mức 1.790 USD/ounce, tăng 4 USD, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp tăng giá.

Giá kim loại quý được thúc đẩy nhờ sự suy yếu của đồng USD. Rạng sáng nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục giảm 0,27 xuống dưới 105. Đồng USD yếu hơn làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng đáng kể các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bắt đầu tăng tốc nhanh hơn. Điều này đã hỗ trợ cho việc tăng giá vàng trên thị trường quốc tế.

Ngân hàng Saxo mới đây cũng nhận định, bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát duy trì ở mức cao trong năm 2023. Điều này sẽ có lợi cho kim loại quý.