Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trong những ngày gần đây, giá vàng SJC, nhất là giá nhẫn tròn trơn liên tục đạt đỉnh, một phần do tác động của giá vàng thế giới, yếu tố chủ yếu là do tâm lý.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng tăng như ‘vũ bão’ hiện nay là do tâm lý của các nhà đầu tư, đầu cơ và kỳ vọng của đầu tư là vàng sẽ lên giá. Theo dự báo của giới kinh doanh vàng, giá vàng còn tăng, sắp tới khó đoán định được giá vàng. Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, nhưng do nguồn cung khan hiếm, cầu tăng đột biến nên giá vàng vẫn tăng khoảng cách khá xa so với gia vàng quốc tế, đặc biệt thương hiệu vàng miếng SJC và gần đây là vàng nhẫn.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Thời gian vừa rồi, đầu tư vào bất động sản khó khăn, đầu tư chứng khoán khó, lãi suất thấp, nên cuối cùng vàng tăng, không ít người lo lắng, bảo vệ tài sản của mình đi mua vàng.
Bên cạnh đó, từ nhiều tháng nay, giá vàng tăng do lực mua kỹ thuật và rủi ro địa chính trị tại Trung Đông. Nhà đầu tư cũng đang dồn sự chú ý vào biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo lạm phát Mỹ, dự kiến ngày 10/4 công bố. Đây sẽ là các manh mối giúp họ dự báo thời điểm lãi suất giảm.
Nhiều ý kiến cho rằng, giới đầu tư vàng đang lo ngại những sửa đổi liên quan đến chính sách điều hành, quản lý thị trường (Nghị định 24/2012/NĐ-CP) đối với vàng miếng nên nhiều nhà đầu tư và người dân chuyển sang mua vàng nhẫn đầu tư. Chính vì vậy, tâm lý tiêu dùng này đã đẩy giá vàng nhẫn tăng mạnh.
Đà tăng giá bất thường đã chuyển từ vàng miếng SJC sang vàng nhẫn. Giá vàng nhẫn những ngày qua liên tục bứt tốc chưa có điểm dừng. Trong khi đó, đã quá hạn hơn 1 tuần nhưng vẫn chưa thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin về điều chỉnh Nghị định 24 quản lý thị trường vàng như yêu cầu của Chính phủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài khóa tiền tệ Quốc gia, khi nguồn cung quá thấp mà lực cầu lớn sẽ dẫn tới tình trạng như hiện nay. Vàng nên phân ra thành vàng có yếu tố tiền tệ và vàng là hàng hoá thông thường. NHNN chỉ quản lý vàng có yếu tố tiền tệ là hợp lý và hiệu quả.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thị trường vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn bởi người mua lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn không đủ nguồn nguyên liệu nên rơi vào tình cảnh khan hiếm dù không phải là thương hiệu độc quyền, do đó ngày càng trở nên đắt đỏ.
Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết, theo một số dự báo của các chuyên gia nước ngoài, giá kim loại quý quốc tế có thể lên 2.500 - 2.600 USD/ounce, vàng nhẫn lúc này cũng có thể sẽ lên 77 - 78 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh giá vàng miếng SJC không biến động nhiều thì khả năng giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng có thể rút ngắn còn 1 - 2 triệu đồng/lượng.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư am hiểu vàng, nguyên nhân giá vàng miếng hay nhẫn tròn trơn vẫn tăng mạnh là do các ngân hàng Trung ương liên tục gia tăng nắm giữ vàng. Ngoài ra, thị trường kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024, khi đó, đồng USD yếu đi và dòng tiền sẽ tìm đến các tài sản dự trữ an toàn, trong đó nổi bật là vàng.
Nhà đầu tư vàng Nguyễn Hùng Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phân tích, căng thẳng địa chính trị gia tăng càng làm nổi bật vai trò tài sản trú ẩn của vàng. Nhìn chung, các yếu tố thị trường đang cho thấy vai trò của vàng với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7642074992518857/?