Gia Bảo ·
1 năm trước
 1497

Giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Nghị quyết 01 nói chung và trọng tâm là các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Tổng vốn đầu tư công năm nay được phân bổ là hơn 700.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có những giải pháp quyết liệt để giải ngân hiệu quả cho các dự án sử dụng nguồn vốn này, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm, các dự án có tính lan tỏa.

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm này, hơn 90% nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều địa phương đã có những giải pháp căn cơ hơn để giải ngân nguồn vốn quan trọng này, từ đó tạo động lực tăng trưởng mới ở địa phương và các khu vực dự án đi qua.

Để có thể triển khai thi công dự án giao thông kết nối trung tâm thành phố Trà Vinh với quốc lộ 60 và quốc lộ 53 giai đoạn 2 vào cuối năm trước, từ năm 2018, tỉnh Trà Vinh đã bố trí nguồn vốn để giải phóng toàn bộ mặt bằng cho cả 2 giai đoạn. Ngay từ đầu năm nay, địa phương này cũng đã khởi công được 25 công trình, dự án mới.

Tuyến quốc lộ 60. (Ảnh: PLO)

"Các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua phải tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng thật tốt để đảm bảo đầu tư công năm 2023", ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho hay.

Giúp kết nối toàn diện Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài gần 111 km và tuyến nối gần 26 km đang được tích cực triển khai. Ngay sau khi khởi công, các đơn vị đã bố trí các mũi thi công và làm việc xuyên Tết.

Năm nay, cũng là thời điểm Bộ Giao thông Vận tải được giao nguồn vốn đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay, gần 95.000 tỷ đồng.

"Chúng tôi chỉ đạo để tăng tốc tối đa triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, gắn với đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Năm nay chúng tôi phải hoàn thành giải ngân khoảng 95.000 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay giao cho Bộ Giao thông Vận tải", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, địa phương tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, chỉ số giá và cấp mỏ, chuyển đổi đất rừng để đẩy nhanh công tác chuẩn bị, thực hiện đầu tư nhằm đẩy nhanh giải ngân cũng như tạo sức lan tỏa từ nguồn vốn quan trọng này.

Các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, sức ép trong công tác chuẩn bị dự án năm nay bao gồm việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án sẽ giảm bớt so với năm ngoái. Đây chính là điều kiện tốt để các bộ, ngành, địa phương tăng tốc thi công, giải ngân ngay trong những tháng đầu năm. Phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

PV: Nhiều gói đầu tư công cũng như gói phục hồi kinh tế đã được lập kế hoạch và đưa ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những giải pháp như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Số vốn đầu tư công kết hợp giữa đầu tư công năm 2023 và vốn của chương trình phục hồi là khối lượng tương đối lớn, hơn 700.000 tỷ. Đây là số vốn lớn nhất từ trước đến nay trong đầu tư công để thấy được sức ép, phạm vi quy mô phải thực hiện là hết sức lớn. Các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã được tổng hợp trong Nghị quyết 01 của Chính phủ nên chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Nghị quyết 01 nói chung và trọng tâm là các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công với số lượng vốn lớn cũng như sức ép không nhỏ.

PV: Vậy chúng ta sẽ tập trung vào các giải pháp như thế nào và có biện pháp gì để các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ trong năm nay?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã sát sao trong việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra. Thứ hai là nhóm triển khai thực hiện, ở đây các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu tâm, đó là năm 2023 chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm về công tác chuẩn bị, một trong những phương châm của chỉ đạo điều hành trong Nghị quyết 01 là đề cao kỷ cương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn nếu phát sinh, đồng thời tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục duy trì cơ chế trước đây chúng ta đã thực hiện hiệu quả.