Huyền my ·
1 năm trước
 4904

Giải pháp giảm phát thải khí CO2 của Việt Nam

Lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra tại Hội nghị COP26, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp. Để thực hiện việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng đến chấm dứt sử dụng than sẽ là vấn đề mà Việt Nam cần nỗ lực lớn.

Xu thế tất yếu phải giảm phát thải

Vào năm 1990, các nhà khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) cảnh báo rằng, nhiệt độ bề mặt Trái đất trung bình sẽ tăng lên từ 0,3 - 0,6ºC trong vòng 100 năm tới. Tuy nhiên, Báo cáo thứ VI của IPCC (AR6) công bố năm 2021 cho thấy, khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người khiến Trái đất nóng lên 1,1ºC kể từ giai đoạn 1850 - 1900. Mỗi thập kỷ trong 40 năm vừa qua đều lần lượt nóng hơn các thập kỷ trước kể từ năm 1950. So với năm 1901, mực nước biển trung bình đã tăng 20 cm vào năm 2018. Mức tăng trung bình mực nước biển khoảng 3,7 mm mỗi năm (từ 2006 - 2018). Theo nhận định của các nhà khoa học, những thay đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và khó lường trong hàng nghìn năm tới.

Ảnh minh họa

Báo cáo đặc biệt của IPCC chỉ ra rằng, nếu thế giới đạt Net Zero vào năm 2040 thì cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5ºC sẽ cao hơn đáng kể. Đỉnh phát thải càng sớm và càng thấp thì việc đạt Net Zero càng nhanh, giúp trái đất ít phụ thuộc vào việc loại bỏ carbon trong nửa sau thế kỷ.

Do vậy, Hội nghị COP26, tại Glasgow - Scotland, Vương quốc Anh (tháng 11/2021) được xem là cơ hội cuối cùng để cả thế giới thực hiện cam kết giới hạn sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris. Có 4 vấn đề chính được đặc biệt quan tâm tại COP26, gồm: 1) giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; 2) đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5ºC trong giai đoạn công nghiệp hóa; 3) bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; đảm bảo quỹ tài chính về BĐKH; 4) kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015.

Hội nghị COP26 kết thúc, mang lại hy vọng lớn cho nhân loại để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5ºC và đạt Net Zero vào giữa thế kỷ này với những cam kết đầy hứa hẹn của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Tính tới nay, đã có 137 quốc gia đưa ra cam kết về Net Zero; 77 quốc gia, địa phương và tập đoàn tham gia ký Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, 45 quốc gia cam kết chuyển đổi sang đầu tư nông nghiệp xanh, bền vững, nhiều hãng xe ô tô tuyên bố ngừng sản xuất xe chạy bằng xăng dầu muộn nhất vào năm 2040; Mỹ và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về hợp tác chống BĐKH…

Hiệp ước này kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng. Đây được đánh giá là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận trong một kỳ hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc.

Chuyển dịch sang năng lượng sạch đã trở thành con đường bắt buộc với tất cả các quốc gia. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế về Lộ trình hướng tới Net Zero của ngành năng lượng, đến năm 2030, quy mô điện gió và mặt trời sẽ cần tăng gấp 4 lần, số xe điện bán ra sẽ tăng 18 lần, hiệu suất sử dụng năng lượng cần nâng cao nhiều lần so với năm 2020. Năng lượng tái tạo và giải pháp tích trữ vẫn tiếp tục có những đột phá mới về công nghệ. Sự hội tụ của các đột phá này sẽ giúp giá thành của năng lượng sạch trở nên cạnh tranh và thậm chí có thể trở thành nguồn năng lượng có giá rẻ nhất vào cuối thập kỷ này. Nguồn tài chính toàn cầu cũng đang dịch chuyển mạnh sang cho năng lượng sạch. Các quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia bước vào cuộc đua giành nhanh nhất, nhiều nhất có thể nguồn tài chính khí hậu quốc tế để đầu tư vào năng lượng sạch, giao thông điện, công nghiệp sạch.

Hội nghị COP26 cũng đánh dấu lần đầu tiên vấn đề tổn thất và thiệt hại xuất hiện trong hiệp ước của một kỳ COP. Hiệp ước này thừa nhận BĐKH đã và sẽ tiếp tục gây tổn thất và thiệt hại. Khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, nếu phù hợp; bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu, giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của BĐKH.

Tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH (có hiệu lực từ năm 2016), Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC. Trong NDC cập nhật năm 2020 đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 27% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

Giải pháp trọng tâm giảm phát thải khí CO2 của Việt Nam

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050.

Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch; Việt Nam kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan.

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

 Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo.

Để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Tính toán trên tất cả các phương án như đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; đốt rác trực tiếp để không thải ra CO2. Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn cả là phát triển năng lượng tái tạo, nguồn này phải chiếm từ 80-90% tổng công suất hệ thống thì Việt Nam mới có thể đạt được cam kết tại Hội nghị COP26.

Bên cạnh thách thức về vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, tín dụng xanh muốn có sự bứt phá hơn trong thời gian tới thì nhận thức về môi trường phải thật sự được nâng cao. Đối với riêng ngành Ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh; ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu: Thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh...