Bùi An ·
2 năm trước
 1655

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội?

Số cơ sở áp dụng các quy trình sản xuất sạch trong chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội hiện còn rất hạn chế, ô nhiễm môi trường chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội vẫn là vấn đề nhức nhối. Vậy, giải pháp là gì?

Ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng nông thôn nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội. 

Năm 2020 vừa qua, theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu, 139,6 nghìn con bò, đàn lợn có 1.760 nghìn con, đàn gia cầm 38 triệu con. Theo tính toán, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày, như vậy đối với Hà Nội, cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.

Một số ít cơ sở chăn nuôi đã xây dựng hệ thống hồ lắng, bể chứa sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường. Mặc dù vậy, số cơ sở áp dụng các quy trình sản xuất sạch trong chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội hiện còn rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và an toàn sức khỏe của người dân.

xử lý nước thải chăn nuôi

Nhận định về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mặc dù các hầm khí sinh học (biogas) được xây dựng theo đúng quy chuẩn, tuy nhiên hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con thì chất lượng nước xả thải cơ bản đáp ứng theo quy định. Đối với chăn nuôi từ 100 con trở lên, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung từ hàng nghìn con trở lên thì đang gây quá tải cho hệ thống xử lý biogas, chất lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Tại huyện Đan Phượng, với khoảng 3.600 hộ và 25 trang trại chăn nuôi, quá trình chăn nuôi làm phát sinh tổng khối lượng nước thải trên địa bàn khoảng 2.500m3/ngày đêm; khoảng 60% nước thải chăn nuôi được xử lý sơ bộ bằng hầm biogas trước khi thải ra môi trường, phần nước thải chăn nuôi còn lại được thải trực tiếp ra môi trường.

Còn tại huyện Thanh Trì, huyện kêu gọi các nhà đầu tư, ưu tiên đối với nhà đầu tư sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa, vốn tài trợ từ nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, nhất là hệ thống xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đối với việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, công nghệ biogas vẫn là giải pháp phù hợp. Dù vậy, thời gian tới cần nghiên cứu, áp dụng thêm những tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm biogas. Sau đó, tiếp tục dẫn nước thải qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch trước khi xả thải ra môi trường.
 
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nước thải chăn nuôi, các địa phương cũng cần tập trung vận động, khuyến khích người dân dần loại bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ để chuyển sang chăn nuôi tập trung. Đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật để xử lý trước khi phát tán ra môi trường.