Thanh Tâm ·
2 năm trước
 2954

Giải pháp thoát nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh việc tăng cường các diện tích mảng xanh trong đô thị, cần ưu tiên xây dựng hồ điều hòa và các công trình cho phép thu và tạm chứa nước mưa. Hệ thống thoát nước cần phải thực hiện được chức năng tiêu thoát nước, kiểm soát úng ngập, ô nhiễm.

Thách thức trong vấn đề thoát nước và xử lý nước thải

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị thông minh là cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông minh, bao gồm, hệ thống giao thông, cấp và thoát nước thông minh, xử lý chất thải rắn và kiểm soát ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nhằm giảm thiểu những mặt tiêu cực do chất thải phát sinh từ các hoạt động của đô thị, cũng như là các quá trình tự nhiên (mưa, bão, hạn hán…), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại các khu vực đang đối mặt với tình trạng hạ tầng thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, bệnh tật lây lan, úng ngập hay lụt lội, người ta lại càng thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Đối với các khu đô thị, điểm dân cư mới, chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có thoát nước mưa, nước thải, góp phần quyết định tính hấp dẫn đối với khách hàng, cũng như sự phát triển bền vững của khu đô thị đó về lâu dài.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng trở thành những thách thức rất lớn đối với công tác quy hoạch đô thị và xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị ven biển ở nước ta. 

Bến đổi khí hậu ngày càng trở thành những thách thức rất lớn đối với công tác quy hoạch đô thị và xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan hơn. Mưa lớn hoặc mưa lớn kèm theo triều cường dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các đô thị Việt Nam gây nhiều tổn thất về người, môi trường, xã hội và kinh tế. 

Bên cạnh đó, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo việc bê tông hóa, giảm diện tích thấm, ao hồ, kênh rạch mang nhiệm vụ trữ nước, tiêu thoát nước. Việc quản lý cao độ nền của đô thị chưa được thật sự chặt chẽ và quyết liệt. Hệ thống thu gom nước mưa của các đô thị được xây dựng nhiều năm và đã xuống cấp, kích thước cống được tính toán chưa bao gồm ảnh hưởng của BĐKH.

Ở Việt Nam , cho đến nay, ở hầu hết các đô thị, hệ thống thoát nước chung đang được sử dụng cho tất cả các loại nước thải và nước mưa, với các tuyến cống chắp vá, thiếu cả chiều dài, đường kính, cao độ không phù hợp… Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước nhiều nơi còn rất thấp.

Ở nhiều khu đô thị mới, mặc dù nước thải sinh hoạt đã được tách ra khỏi nước mưa từ ngay trong công trình, tuy nhiên, khi ra đến mạng lưới thoát nước bên ngoài, các loại nước thải này chưa được xử lý, lại đấu vào một tuyến cống chung, gây ô nhiễm và lãng phí. Tình trạng yếu kém trong quản lý rác thải và bùn cặn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thoát nước. Phí thoát nước hay phí bảo vệ môi trường do nước thải quá thấp, không đủ trang trải chi phí quản lý hệ thống.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu mùa mưa 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có gần 10 trận mưa cường độ lớn, lượng mưa trên 100mm, thậm chí có nơi lên tới 180mm/giờ, vượt công suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước (70mm/giờ) và 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống, dẫn đến úng ngập xảy ra tại nhiều khu vực, nhất là tại các khu vực trũng thấp, xa nguồn xả.

Chuyên gia hiến kế 

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật, Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng các biện pháp công trình, kỹ thuật như đầu tư xây dựng tường ngăn lũ, đắp đê hoặc xây dựng hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, giải pháp này tiềm ẩn những rủi ro khi hệ thống không đủ sức chống chịu với lũ lụt, nhất là khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra.

Do đó, không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tích hợp các giải pháp mang tính liên vùng đến các giải pháp chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị. Từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình: Bơm, đê, cốt nền, hồ điều tiết, đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cả các giải pháp triệt thoái đô thị tại các khu vực chịu ảnh hưởng quá lớn của ngập úng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) Lương Ngọc Khánh cho hay, Bộ đang đề xuất 2 nhóm giải pháp. Trong ngắn hạn, cần có phương án xử lý tại các tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập; thực hiện duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước; kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước…

Về lâu dài, cần quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch; các đô thị cần tăng diện tích và dung lượng chứa nước, hồ điều hòa, cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành công trình thoát nước.

Đề xuất về các giải pháp, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống thoát nước cần phải thực hiện được chức năng tiêu thoát nước, kiểm soát úng ngập, ô nhiễm. Nguyên tắc của thoát nước bề mặt bền vững là kiểm soát tối đa dòng chảy, giảm thiểu những khu vực tiêu thoát nước trực tiếp, làm chậm dòng chảy thông qua các dung tích chứa tạm thời, diện tích thấm hay phân tán dòng chảy theo các lưu vực nhỏ để giảm tải cho đường cống, đồng nghĩa với giảm nguy cơ úng ngập.

Bên cạnh việc tăng cường các diện tích mảng xanh trong đô thị để cho nước mưa thấm tự nhiên, ưu tiên xây dựng hồ điều hòa và các công trình cho phép thu và tạm chứa nước mưa dưới các công trình công cộng, những công trình xây dựng có diện tích lớn, có kết nối với mạng lưới thoát nước mưa.

Trong khi đó, với thực trạng ngập úng tại một số đô thị lớn của Việt Nam hiện nay, ThS Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đề xuất 2 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và lâu dài. Trong đó, trong ngắn hạn cần có phương án xử lý tại các tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập, phối hợp và nâng cao hiệu quả của công tác dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng;

Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, khơi thông dòng chảy, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước đạt năng lực thoát nước 100%; Kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước, tại các vị trí ngập úng tăng cường lắp bơm di động để giảm thiểu mức độ và thời gian úng ngập;

Đặc biệt, cần công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương theo quy định của khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.