Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu kết nối từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức trong và ngoài nước tham dự. Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề: Rác thải đại dương từ đất liền – thách thức toàn cầu đối với phát triển bền vững; Các kinh nghiệm và bài học trong giảm thiểu và quản lý rác thải đại dương từ đất liền; Các giải pháp và mô hình sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương do rác thải cứng và Tầm nhìn APEC sau 2020: Quan hệ đối tác mới vì các đại dương bền vững.
Các đại biểu chia sẻ nhận định, 80% rác thải đại dương có nguồn gốc từ đất liền và các hành vi của con người, cùng với việc xả thải từ các bãi rác gần bờ biển và bờ sông là các tác nhân chính biến rác thải đại dương thành một cuộc “khủng hoảng” ở tầm toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Ảnh: Long Biên Edu
Đại dịch Covid-19 đồng thời góp phần khiến “cuộc chiến” chống lại rác thải biển trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, chủ yếu do sự gia tăng trong sử dụng thải bỏ các thiết bị y tế bảo hộ dùng một lần như khẩu trang. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển do sự thiếu hụt một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả và các cơ sở thu gom và xử lý chuyên biệt.
"Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, bối cảnh khu vực; nhằm phát huy vai trò, vị thế tài nguyên biển của Việt Nam thì việc chủ động trong đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương đặt ra những yêu cầu, cân nhắc về mặt lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như thời gian tham gia, bảo đảm phù hợp với pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh. |
Đại diện các nền kinh APEC đã chia sẻ về các kinh nghiệm thực tiễn, các thông lệ tốt, các mô hình và các chiến lược hành động quốc gia trong thúc đẩy việc ngăn ngừa, xử lý và thu gom rác thải đại dương, nổi bật là vai trò của các chủ thể phi quốc gia, đóng góp của các doanh nghiệp trong việc tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa, vai trò của công nghệ sáng tạo trong quản lý rác thải và loại bỏ ô nhiễm nhựa; các công nghệ tái chế trong xử lý rác thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn…
Hội thảo cũng tập trung đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh các nỗ lực, biện pháp ở tầm khu vực và toàn cầu nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải đại dương có nguồn gốc từ đất liền, hướng tới Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Đại diện các nền kinh tế APEC đều đánh giá cao sự chủ động và đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc góp phần tăng cường hợp tác APEC về bảo vệ hệ sinh thái biển và đại dương và triển khai Lộ trình APEC về rác thải đại dương. Các đại biểu quốc tế quan tâm và đánh giá cao Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Việt Nam với mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương đến năm 2025 và 75% đến năm 2030.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới đưa ra các lệnh cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa.
Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỉ lệ chất thải nhựa được xử lý không đầy đủ, chiếm 5,76% trong tổng lượng chất thải nhựa không được xử lý đầy đủ trên toàn thế giới.
Tỉ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm (Tạ Việt Phương 2019). Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nylon/tháng, tương đương 1 kg túi nylon/hộ/tháng. Các loại túi nylon được sử dụng tràn lan trong các hoạt động xã hội, chủ yếu là loại túi siêu mỏng.
Nhận diện những ảnh hưởng tiêu cực đến từ ô nhiễm rác thải nhựa, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách, chiến lược nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn. Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm và đồng thuận cao. Bước đầu, chúng ta dần thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng không bền vững. Toàn xã hội đồng lòng trong xác định lại giá trị, cách thức sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dươngThứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng. "Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực". Do đó, để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương và thu gom 100% dụng cụ đánh bắt bị thất lạc hoặc thải bỏ và xóa bỏ tình trạng xả thải trực tiếp các dụng cụ đánh bắt ra biển. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên triển khai và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Băng Cốc trong giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực ASEAN. |