Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, trừ nhiên liệu bay (đã được giảm 50%), mức giảm 500 - 1.000 đồng/lít, kg.
Cụ thể, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít. Như vậy, dự kiến thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như đề xuất trên của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua thì giá xăng, dầu có thể giảm với mức giảm tương ứng.
Theo tính toán, giá xăng (trừ ethanol) có thể giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (gồm VAT). Giá mỗi lít dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả giảm tương ứng 550 đồng. Mỗi kg mỡ nhờn giá giảm 550 đồng.
"Mức giảm từ 500 - 1000 đồng/lít so với giá xăng, dầu hiện tại tuy không phải là sâu, thế nhưng nó cũng hỗ trợ được phần nào đó cho các doanh nghiệp, cho người dân trước những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh kéo dài.
Từ năm 2020, công thức giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã được kết cấu theo giá thế giới, giá dầu thế giới tăng sẽ làm giá xăng, dầu trong nước tăng theo. Diễn biến giá dầu thế giới tác động mạnh đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước là điều khó tránh khỏi.
Nếu như xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục, thậm chí căng thẳng hơn so với hiện nay thì giá dầu thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Giá dầu thô có thể lên đến 130 - 150 USD/thùng, với kịch bản đó giá xăng, dầu trong nước cũng sẽ tăng theo, khi ấy mức giảm 1.000 đồng/lít xăng sẽ không mang nhiều ý nghĩa", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, vị Chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm 1.000 đồng/lít xăng thuế bảo vệ môi trường trong khi loại thuế này đang áp dụng là 4000 đồng/lít xăng lại là một con số lớn, giảm đến 25%. Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu tháng 4/2022, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỉ đồng (gồm thuế VAT).
"Việc ngân sách nhà nước giảm thu gần 12 nghìn tỉ đồng, tôi cho rằng đó là một con số lớn, nó sẽ tác động không nhỏ đến những chính sách phục hồi nền kinh tế hậu Covid -19, mà cụ thể hơn đó là khả năng hỗ trợ phục hồi các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Do đó, Chính phủ cần cân nhắc thật kỹ, hoặc tìm ra những phương án phù hợp để bù đắp lại khoản thâm hụt này, tránh những tác động tiêu cực đến mục tiêu lâu dài của nền kinh tế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trăn trở.
Một số ý kiến băn khoăn rằng, nếu tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, giá dầu thế giới giảm, kéo theo giá xăng, dầu trong nước trở về mức có thể chấp nhận được thì liệu thuế bảo vệ môi trường có tăng trở lại sớm hơn so với dự kiến của Bộ Tài chính (hết ngày 31/12/2022)?
Về vấn đề này, ông Thịnh khẳng định: "Một khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xăng, dầu của Bộ Tài chính được thông qua thì mức thuế này sẽ không thay đổi dù giá xăng, dầu trong nước tăng hay giảm. Bởi lẽ, chính sách thuế là một chính sách dài hạn, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế, việc tăng giảm thuế không thể hiến hành một cách tùy tiện trong một sớm một chiều, mà có sự tính toán kỹ càng, theo lộ trình cụ thể".
Liên quan đến câu chuyện tính giảm thuế bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có bài phân tích về "Cơ sở khoa học nào để điều chỉnh thuế Bảo vệ môi trường khi xăng tăng giá?". Mời quý độc giả cùng theo dõi để biết thêm thông tin về việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
Bàn thêm về giải pháp điều hành giá xăng, dầu hợp lý nhằm giảm áp lực lên nền kinh tế cũng như đời sống của người dân, vị Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng dầu, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết.
Cơ quan quản lý cần nghiên cứu và đưa ra những biện pháp phù hợp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, thậm chí triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí do nhiên liệu tăng cao.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Hoàng Hải
Theo: Kinh tế Môi trường