Gia Bảo ·
1 năm trước
 7025

Giảm lãi suất kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Bắt đầu từ hôm nay (3/4), Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,3% - 0,5%/năm.

Với việc giảm liên tiếp 2 lần lãi suất điều hành chỉ trong vòng 1 tháng, đã mở ra kỳ vọng cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn.

Thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành đã mang đến kỳ vọng lớn cho doanh nghiệp bất động sản của anh Hoàng Nguyễn Trọng Dũng (Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàng Gia Phát). Với nhu cầu xoay vòng các khoản vốn liên tục để đầu tư lãi suất chỉ giảm thêm 0,5% cũng sẽ giúp doanh nghiệp của anh tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

"Từ quý III - IV, doanh nghiệp gần như bị cạn kiệt về nguồn tiền, gần như phải bán một số tài sản để duy trì dòng tiền của doanh nghiệp. Vay dài hạn doanh nghiệp với mức lãi suất hiện tại đang cao. Hiện tại mức lãi suất cho gói vay mới nhất của chúng tôi là 10 tỷ đồng", anh Dũng cho biết.

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất điều hành sẽ là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, tương tự như diễn biến sau lần hạ lãi suất đợt 1 hồi đầu tháng 3. Thị trường sẽ cần một thời gian để các chính sách có sự lan toả.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định: "Động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khiến cho mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm rất rõ nét. Trong 1 tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm từ 0,5% - 1%, mức giảm đáng kể. Mặc dù vậy, để nó ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay cũng cần một khoảng thời gian để mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào nền kinh tế, tiến tới giảm dần lãi suất cho vay".

Trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhiệt, tỉ giá vẫn được duy trì ở mức tương đối ổn định, việc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nới lỏng dần chính sách tiền tệ, tiếp tục giảm lãi suất điều hành được đánh giá là phương pháp "linh hoạt", giúp kích thích nhu cầu tín dụng.

"Khi chúng ta giảm lãi suất, sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp khiến cho doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng. Đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là cú hích quan trọng cho cả nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng", ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định.

Việc giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cùng với việc hoạt động kinh doanh của các ngành nghề được kì vọng được khởi sắc trở lại vào quí II, là các yếu tố được kì vọng sẽ giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu được đặt ra trong năm nay.