Jianwei Fengsheng, một công ty sản xuất giấy có trụ sở tại tỉnh Tây Nam Tứ Xuyên đã sản xuất ra giấy vệ sinh, khăn ăn, các sản phẩm gia dụng khác từ phân và thức ăn thừa của gấu trúc. Theo Chengdu Business Daily, loại giấy làm từ mô phân gấu trúc được bán với giá gấp 10 đến 20 lần so với loại tiêu chuẩn.
Zhou Chuanping, quản lý công ty cho biết, mức giá cao hơn là hoàn toàn hơp lý và cần thiết để bù đắp chi phí cho các quy trình khử trùng bao gồm cả làm sạch và hấp. Điều này nhằm đảm bảo các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh trên toàn thế giới. Zhou hy vọng khăn giấy sẽ được người tiêu dùng ủng hộ với tư duy bảo vệ môi trường.
Theo Huang Yan, giám đốc nghiên cứu và quản lý động vật tại Trung tâm, trung bình một con gấu trúc trưởng thành tiêu thụ 12-15 kg tre mỗi ngày có thể chuyển thành 10 kg phân. Theo Tân Hoa xã, công ty thu gom phân từ 3 cơ sở nuôi gấu trúc tại Tứ Xuyên, sau đó tiến hành khử trùng và thực hiện quy trình tách sợi làm giấy. Tính đến tháng 10, có 273 con gấu trúc, chiếm hơn 60% dân số thế giới được nuôi nhốt.
Theo chủ tịch công ty giấy Jianwei Fengsheng, Yang Chaolin, quy trình sản xuất giấy từ tre thông thường phải tách đường fructose và chiết xuất xơ thực vật để làm giấy. Tuy nhiên, khi ăn, loài gấu trúc chỉ hấp thụ chất đường fructose trong tre và thải ra chất xơ của loài cây này, do đó sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và công sức trong quá trình làm giấy. Sau khi hấp thụ đường, gấu trúc mất khoảng 4 giờ để bài tiết chất xơ.
Tất nhiên, việc sử dụng phân động vật không phải là mới. Người Tây Tạng và những dân tộc khác từ lâu đã sử dụng phân gia súc khô để đốt lửa nấu ăn. Và ở Indonesia, loại cà phê đắt nhất thế giới, Kopi luwak được làm từ phân của cầy hương - một cốc có thể bán với giá 80 USD ở Mỹ.
Thông tin từ Quartz