Tăng trưởng tín dụng không cao như kỳ vọng
Chiều 31/3, tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Phó Thống đốc đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 không cao so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải cho điều này, ông Tú cho biết điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là giai đoạn đầu năm, một số dự giải ngân bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Hiện tại không ai còn nhắc đề vấn đề room tín dụng nữa. Cậu chuyện tín dụng hiện tại là vấn đề nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, vì sao tín dụng không tăng nhanh như kỳ vọng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Dù mức tăng không như kỳ vọng trong 3 tháng đầu năm, song theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng cả sẽ ước tính khoảng 14-15% như mục tiêu đã đề ra.
Chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, ông Tú cho biết một, hai ngày tới sẽ có văn bản chính thức. Phó Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngân hàng trong gói tín dụng này để có một cơ chế cho vay thống nhất, chứ không phải mỗi ngân hàng một cách cho vay.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo ông Tú, cơ chế cho vay sẽ do các ngân hàng quyết định nhưng lãi suất sẽ giảm 1,5% với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và nhà xây lại chung cư cũ. Cùng với đó là giảm 2% với người mua với cơ chế thông thoáng.
"Mỗi người chỉ vay một lần, cho một căn nhà ở xã hội để đảm bảo sự công bằng", ông Tú nhấn mạnh.
Nói thêm về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Hà Thu Giang cho biết, khách hàng vay phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại. Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng, nhưng không quá thời hạn 31/12/2023.
"Lãi suất cho vay dự kiến từ 8,2 - 8,7%/năm, thời gian áp dụng 3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho người mua nhà", bà Giang thông tin.
Theo Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững , Chính phủ đã giao NHNN chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay. Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của 4 ngân hàng ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình. |
Cũng liên quan đến thị trường bất động sản, NHNN tiếp tục nhấn mạnh sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó là kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS…