Tại báo cáo về tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, theo Bộ Xây dựng, tính tới hiện tại, mới giải ngân được 1.144 tỷ đồng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư các dự án vay và 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. Có thể thấy, so với thời điểm hồi tháng 3, giải ngân gói này đã tăng gần gấp đôi về số vốn, tuy nhiên cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm thêm lãi suất cho vay để gói vay này phù hợp với thực tế để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Bộ Xây dựng cũng có báo cáo đến Thủ tướng về tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Tại báo cáo, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay mới với lãi suất giảm 3-5% so với lãi vay thương mại, thời hạn vay 10-15 năm.
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững đó là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Ông Châu cũng đề nghị tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư nhà ở xã hội lên 15% (thay vì 10% như trước). Quy định này áp dụng cho chủ đầu tư tự tạo lập quỹ đất, mục tiêu thu hút thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cuộc đua phát triển nhà xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, đến hiện tại có 30 địa phương trên cả nước công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy vậy, Bộ cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An...
Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, đến nay số dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên cả nước là 503 dự án (tăng 4 dự án so với thời điểm 15/3).
Thứ trưởng Xây dựng đề nghị các bộ Công an, Quốc phòng, mỗi bộ hoàn thành 5.000 căn nhà ở xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây 2.000 căn trong năm 2024. Bộ Tài chính cũng cần xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho phân khúc này.
Trong bối cảnh Luật Nhà ở sửa đổi được lùi lịch thực thi đến ngày 1/8/2024, các đại biểu và lãnh đạo địa phương đã có thêm cơ hội để kiến nghị, góp ý nhằm hoàn thiện các quy định, chính sách về nhà ở xã hội.
Hôm nay (ngày 27/5), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Đáng lưu ý, Phó thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội. Về quy định các giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị không quy định riêng để bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7860019570724397