Từ lâu, mướp là một loại trái quen thuộc dùng trong bữa cơm hằng ngày của người Việt, người dùng chủ yếu ăn trái non, còn phần xơ thường ít được quan tâm. Nhưng ông bà ta từ xưa đã tận dụng xơ của những quả mướp già dùng làm giẻ rửa chén. Các sản phẩm công nghệ hiện đại ngày càng phát triển khiến giá trị hữu dụng của nó giảm đi so với xưa kia. Nhưng gần đây, với xu hướng tái chế bảo vệ môi trường ngày càng cao, chúng đã hữu ích hơn với các sản phẩm phục vụ đời sống như mũ, dép, đồ tẩy trang, chăm sóc da hay lọ hoa.
Không dừng lại ở đó, ngoài những vật dụng trên, xơ mướp còn được dùng làm nguyên liệu để tạo ra chất liệu gạch men ốp tường. Loại gạch này có tên Green Charcoal do các nhà nghiên cứu tại Trường Thiết kế và Sáng tạo Ấn Độ ở Mumbai chế tạo ra. Loại gạch thân thiên môi trường này có thể làm giảm tới 90% lượng cốt liệu thô được sử dụng so với bê tông tiêu chuẩn - một lợi thế quan trọng trong bối cảnh cát, vật liệu được khai thác nhiều nhất trên thế giới, ngày càng khan hiếm.
Thành phần của Green Charcoal có than củi, đất, xi măng và xơ mướp thay thế cho bê tông. Một lợi thế của Green Charcoal trong bối cảnh cát, đá,..bị khai thác quá mức và trở nên khan hiếm là Green Charcoal có thể giảm tới 90% lượng cốt liệu thô so với bê tông tiêu chuẩn.
Trong gạch Green Charcoal, xơ mướp sẽ thay thế cho cốt thép kim loại, cung cấp cường độ, tính linh hoạt phù hợp và vẫn đảm bảo độ xốp cao hơn bê tông tiêu chuẩn đến 20 lần nhờ các lỗ thông khí tự nhiên có trong xơ mướp. Các lỗ thông khí này giúp giữ nước và nuôi dưỡng sinh vật, làm giảm nhiệt độ của gạch từ đó giúp nội thất trở nên mát mẻ hơn.
Than là một thành phần nhỏ được sử dụng trên bề mặt của gạch Green Charcoal với tác dụng làm sạch không khí bằng nguyên lý hấp thụ nitrat – một siêu thực phẩm nuôi dưỡng cây trồng có ở trong gạch. Do đó, nếu mặt tiền của các tòa nhà, tường, dải phân cách,… đều được làm bằng gạch Green Charcoal thì chúng sẽ vừa làm sạch không khí vừa kiểm soát nhiệt độ và còn truyền cảm hứng xây dựng tích cực cho xã hội.
Gạch Green Charcoal đã mang đến một lựa chọn xanh trong bối cảnh gạch nung truyền thống đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gạch sinh học từ xơ mướp vẫn chưa thể phát triển thương mại một cách rộng rãi vì nguồn cung chưa ổn định và tính bền của vật liệu vẫn thiếu thời gian để làm quen với thị trường Việt Nam.