Chiều tối 31/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định từ 3/4 tới giảm nhiều mức lãi suất từ 0,3 - 0,5%/năm. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong một tháng, lãi suất điều hành giảm. Quyết định này là tín hiệu tích cực để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay vốn đang ở mức cao.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm 0,5%/năm đối với các loại lãi suất:
- Lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5,5%/năm;
- Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm còn 0,5%/năm;
- Lãii suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng giảm còn 5,5%/năm;
- Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm còn 4,5%/năm;
Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước giảm 0,3%/năm xuống 0,5%/năm.
Liên tiếp, nhanh và mạnh mẽ, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đang muốn khơi thông dòng vốn giá rẻ hơn, hợp lý hơn ra thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Internet.
"Việc giảm lần thứ hai này mạnh mẽ hơn lần trước, thậm chí là giảm cả trần lãi suất huy động. Điều này cho thấy NHNN và Chính phủ đã gửi đi một tín hiệu tiếp tục mục tiêu hỗ trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay", Tiến si Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Econimica VietNam, đánh giá.
Dù nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn điều hành lãi suất neo ở mức cao, nhưng NHNN Việt Nam vẫn hạ lãi suất. Điều này có vẻ như bất ngờ, nhưng là hợp lý và phù hợp với những diễn biến của nền kinh tế hiện nay.
"Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay, khi GDP quý I/2023 là mức tương đối thấp so với nhiều năm. Trong khi đó áp lực lạm phát và tỷ giá cũng đã ở trong tầm kiểm soát và đang có xu hướng đi xuống. Khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ FED đảo chiều chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ xảy ra, nên chúng tôi cho rằng động thái của NHNN hiện nay là động thái đón đầu, đi trước xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất toàn cầu", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS), nhận định.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3 chỉ là 2,06%, chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang còn yếu. Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.