TM ·
2 năm trước
 4524

Hà Lan hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững

Với mong muốn đưa ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng trước biến đổi khí hậu, Hà Lan sẽ tiếp tục hợp tác đầu tư, hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL trong quản trị nước, nông nghiệp, xử lý rác thải, giao thông và logistics.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng

Vừa qua, tại Diễn đàn Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), các chuyên gia đến từ Hà Lan cập nhật chương trình nghị sự Việt Nam - Hà Lan tại ÐBSCL và giới thiệu các giải pháp giải quyết các thách thức của ĐBSCL trong quản trị nguồn nước, nông nghiệp công nghệ cao và hậu cần logistics.

Hà Lan hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững - Ảnh 1
Diễn đàn Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển bền vững ĐBSCL.

Nhận định về vùng ĐBSCL, bà Elsbeth Akkerman - Ðại sứ Hà Lan tại Việt Nam, cho biết, ĐBSCL là khu vực kinh tế quan trọng, vùng lương thực trọng điểm của Việt Nam và có khoảng 18 triệu người đang phụ thuộc vào kinh tế ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về biến đổi khí hậu; thách thức nguồn nước; giao thông, hậu cần logistics chưa phát triển xứng tầm…

Do đó, để ĐBSCL phát huy được hết tiềm năng, phát triển bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần có cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, có giá trị cao. Đồng thời, các tỉnh ĐBSCL cũng cần chú trọng việc phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản để giú gia tăng giá trị nông sản.

Bên cạnh đó, để ĐBSCL cất cánh được thì vấn đề phát triển hệ thống giao thông là đặc biệt quan trọng. Trong đó, cần xây dựng nhiều hơn các tuyến quốc lộ, cao tốc để kết nối các tỉnh trong vùng với các vùng khác. Tận dụng lợi thế có nhiều dòng sông lớn để phát triển giao thông đường thủy và xây dựng các cảng biển, cảng sông lớn cũng sẽ giúp hàng hóa của vùng dễ lưu thông hơn, tránh việc phụ thuộc vào các vùng khác.

Hà Lan hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững - Ảnh 2
Quản trị tài nguyên nước ĐBSCL là yếu tố quan trọng giúp vùng phát triển.

Với việc biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường và là vùng chịu nhiều ảnh hưởng nên bà Elsbeth Akkerman cho rằng, ĐBSCL cần phải hành động ngay theo hướng thích ứng với thiên nhiên thay vì chống lại nó. Cùng với sự phát triển kinh tế, các địa phương trong vùng cũng cần phải bảo vệ môi trường và đảm bảo quản lý nước tốt để bảo vệ các vùng nước ngọt và ven biển, cải thiện chất lượng nước.

Được biết, để hỗ trợ ÐBSCL vượt qua khó khăn, phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại ÐBSCL.

Cụ thể, Chính phủ Hà Lan đã và đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL như:  Nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam; Trữ nước ở ÐBSCL; Dự án chuyển đổi rác thải nông nghiệp thành năng lượng ở tỉnh Hậu Giang. Đặc biệt, tại tỉnh Vĩnh Long, Hà Lan đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại 19,5 triệu USD cho dự án trị giá 202,2 triệu USD hỗ trợ tỉnh này thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ người dân trước rủi ro lũ lụt.

"Vai trò quan trọng của ÐBSCL về kinh tế, sinh thái và xã hội đối với Việt Nam là không thể bàn cãi. Chúng ta có chung mục tiêu: đảm bảo vùng đồng bằng tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai, có khả năng phục hồi về mặt kinh tế và sinh thái. Ðiều này đòi hỏi một cách tiếp cận thuận thiên, liên ngành và tích hợp. Hà Lan mong muốn trở thành đối tác của Việt Nam trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của hai nước về nước, biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, thông qua các giải pháp về hậu cần và phân phối", Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam - Elsbeth Akkerman cho biết.

Quy hoạch vùng tạo đà phát triển

Nhằm giúp ĐBSCL phát triển bền vững, các chuyên gia Hà Lan còn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam xây dựng bản Quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL. Ngày 28/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên tại Việt Nam.

Hà Lan hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững - Ảnh 3
Nông nghiệp ĐBSCL được cơ giới hóa giúp tăng hiệu quả sản xuất.

Nhận định về tiềm năng phát triển và hỗ trợ hợp tác của Hà Lan vào vùng ĐBSCL, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định, Hà Lan có lợi thế về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, logistics, cảng biển, quản lý nguồn nước… trong khi ÐBSCL lại có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu hoàn thiện hạ tầng logistics, nguồn lao động dồi dào… Ðây là nền tảng để 2 bên có thể phối hợp và hỗ trợ tốt cho nhau.

Vào tháng 1/2021, Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Thực phẩm Hà Lan phối hợp với VCCI thành lập Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan cho ÐBSCL. Ðến nay, các bên đã phối hợp thực hiện nghiên cứu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại vùng ÐBSCL hướng đến đối tác Hà Lan, nhằm phân tích và đưa các cơ hội cụ thể cho doanh nghiệp Hà Lan khi muốn đầu tư, kinh doanh tại vùng ÐBSCL. Diễn đàn hôm nay cũng là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu tại ĐBSCL không chỉ tạo ra những khó khăn, thách thức mà còn là cơ hội để vùng có thể chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất; phát triển đa dạng sản phẩm thân thiện môi trường…

Tuy nhiên, ÐBSCL vẫn còn hạn chế như thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư còn khá chậm, dịch vụ công trực tuyến được đầu tư nhiều nhưng chưa đáp ứng mong muốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; khai thác giao thông thủy còn hạn chế nhiều… Ðây là những điểm nghẽn cần nhanh chóng khơi thông để ÐBSCL thu hút thêm được nhiều luồng đầu tư trong và ngoài nước.

Thông tin với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan cho biết: "Muốn phát triển bền vững, trước hết chúng ta phải thay đổi trước từ tư duy. Chẳng hạn, trong phát triển nuôi tôm nước lợ xuất khẩu, vấn đề quan ngại nhất là ô nhiễm môi trường. Thay vì chúng ta nuôi tôm đến đâu chặt đước đến đó, vậy sao chúng ta không vừa nuôi tôm vừa trồng cây hay sử dụng công nghệ của Hà Lan để xử lý nước đầu ra của ao tôm".

Châu Anh

Nguồn: Kinh tế Môi trường