Hà Lan ·
2 năm trước
 2659

Hà Nội chậm thu hồi dự án 'treo', nguyên nhân do đâu?

Theo Đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội, hàng trăm dự án 'treo' chậm thu hồi là do công tác hậu kiểm thực hiện các kết luận thanh tra còn lúng túng và chưa được thực hiện kịp thời.

Hàng loạt dự án ôm đất vàng "ngủ quên"

Mới đây, Đoàn giám sát HĐND TP.Hà Nội vừa có dự thảo báo cáo kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn.

Theo báo cáo, danh mục dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát (năm 2018) và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay. Trong đó, 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4/2021.

dự án treo tại hà nội

Dự án Nam Trung Yên nằm “đắp chiếu” từ nhiều năm nay.

Cụ thể, đối với 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) còn tồn tại đã được Thường trực HĐND TP kiến nghị tại Báo cáo số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012, đến nay còn 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát.

Đặc biệt, 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến thời điểm tái giám sát vào tháng 3/2021 vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế. Ngoài ra, trong số 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017, đến nay vẫn còn 293 dự án tiếp tục chậm triển khai hoặc có các vi phạm. Đặc biệt, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỉ đồng.

Vẫn chưa được xử lý dứt điểm

Theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND TP.Hà Nội, để xảy ra các tồn tại nêu trên có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP.Hà Nội. Trong đó có trách nhiệm của hai sở ngành quan trọng là Sở TN&MT và Sở KH&ĐT.

Cụ thể, Sở TN&MT đến nay vẫn chưa hoàn thành dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu liên quan quản lý đất đai của TP.

Còn Sở KH&ĐT còn chậm xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách và chưa báo cáo rõ về thời hạn hoàn thành.

Cả Sở TN&MT và Sở KH&ĐT chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư. Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ công tác hậu kiểm thực hiện các kết luận thanh tra và phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để theo dõi, báo cáo tiến độ, vi phạm, hướng giải quyết của các dự án còn lúng túng và chưa được thực hiện kịp thời.

Việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện một số kết luận sau thanh tra và giải quyết kiến nghị của các quận, huyện  chưa kịp thời; công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được chú trọng, kém hiệu quả…

Theo đó, Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, thanh tra, kiểm tra công tác triển khai thực hiện và xử lý vi phạm đối với nhóm các dự án mà Đoàn giám sát kiến nghị.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP trong năm 2021; UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở KH&ĐT khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách, sớm hoàn thành việc rà soát thủ tục đầu tư của các dự án chậm triển khai chưa được giao đất, cho thuê đất và đề xuất thời hạn giải quyết thủ tục liên quan, có phương án xử lý dứt điểm từng dự án.

Sở QHKT tăng cường quản lý thực hiện dự án theo quy hoạch và rà soát tiến độ điều chỉnh quy hoạch với từng dự án, có biện pháp ngăn chặn lợi dụng đề xuất điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai của dự án.

Cần cương quyết thu hồi

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời hạn này, nhiều chủ đầu tư vẫn “ôm” đất trong nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. Do đó, người dân có lý do để đặt câu hỏi liệu “có gì đó” bên cạnh quyết định giao đất không, vì nếu giao đất “có điều kiện” thì rất khó để xử lý, thu hồi do vướng lợi ích của bên này, bên kia.

Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án…, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua rõ ràng là nguồn quỹ đất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Nguồn