Ngọc Lan ·
1 năm trước
 6625

Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đường cao tốc và bất động sản

Hà Nội chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công văn số 992/UBND-ĐT về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn thành phố, các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc (trọng tâm là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô) và các dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn thành phố.

Hà Nội chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc; việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư bất động sản; kịp thời tham mưu, đề xuất báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường; UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân; đẩy nhanh công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện để xem xét, tháo gỡ.

Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị được thành phố giao chủ trì, chủ đầu tư các dự án khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục, công việc có liên quan, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50 ngày 8/4 Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. 

Cụ thể, Chính phủ đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể.

Khẩn trương tổng hợp, công bố danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Cũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 17/2, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, Hà Nội quyết tâm trong năm 2023 phải rà soát, đánh giá 750 dự án chậm tiến độ để thu hồi.

Theo đó, dự kiến dừng 4 dự án và thu hồi trên 2.600 ha đất, chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất.

Hà Nội sẽ tiến hành đấu thầu 5 khu nhà ở tập trung nhưng cơ chế chính sách về việc này chưa có, vì vậy UBND TP.Hà Nội kiến nghị cần có một nghị định linh hoạt của Chính phủ xâu chuỗi lại các bộ luật liên quan để sao cho phân định rõ đấu thầu theo cơ chế, đấu giá theo cơ chế và chỉ định thì theo cơ chế để Hà Nội có hướng xử lý vấn đề này.