Thành Phong ·
1 năm trước
 8053

Hà Nội chính thức tăng giá nước sạch sinh hoạt từ tháng 7

Từ 1/7/2023, giá bán nước trên địa bàn TP. Hà Nội đối với hộ dân sử dụng trên 30m3/tháng là 24.000 đồng/m3; từ ngày 1/1/2024, giá bán mức này lên 27.000 đồng/m3.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải vừa ký ban hành quyết định phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo quyết định, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt.

Với phương án điều chỉnh mới, những hộ dân ở Thủ đô Hà Nội sử dụng trên 30m3/tháng sẽ phải trả thêm 11.071 đồng/m3. Mức tăng lên này sẽ tính từ thời điểm 1/7/2023.

Với mức tăng trên, quy chiếu nhu cầu tiêu dùng nước sạch thực tế tại các hộ dân ở nội thành Hà Nội (khoảng 10-16m3/hộ/tháng), số tiền người dân sẽ phải trả thêm tăng từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng.

Ở khu vực nông thôn (lượng nước tiêu thụ trung bình 6-8m3/hộ/tháng), số tiền người dân Hà nội phải chi trả thêm từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.

Giá bán lẻ nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội từ ngày 1/7/2023.

Ngay sau khi có quyết định tăng giá nước sinh hoạt, lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng nước; yêu cầu các sở ngành khác có liên quan, kiểm tra giám sát phương án điều chỉnh giá nước.

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị cấp nước thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 55 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Tổ chức thực hiện theo phương án giá nước sạch sinh hoạt được UBND Thành phố phê duyệt. Hàng năm, chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch sinh hoạt theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Trước đó, đại diện Sở Tài chính cho biết, hiện nay chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đều tăng, dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát, thu hút việc đầu tư vào sản xuất, phân phối nước sạch, nhất là nước sạch nông thôn.

Ngoài ra, theo Sở Tài chính, giá nước sạch dùng cho sinh hoạt đã giữ ổn định trong 10 năm qua; nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý nước mới; ảnh hưởng tới các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước. 

Với giá nước như hiện nay, Hà Nội sẽ "không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch" bởi hiện Bộ Y tế yêu cầu chất lượng nước sạch phải đạt quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT.

Hà Nội đã kêu gọi được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Tuy nhiên có doanh nghiệp không thực hiện dự án, phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành. Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời, các doanh nghiệp này sẽ đối mặt nguy cơ phá sản do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố.

Do đó, việc điều chỉnh giá nước là cần thiết. Việc tăng giá nước sạch sẽ được thực hiện từng bước trong điều kiện, khả năng của người dân để có lộ trình điều chỉnh phù hợp và không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.

Giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng theo quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, với 10 mét khối đầu tiên 5.973 đồng/mét khối và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30 mét khối (áp dụng từ 1/10/2015).