Mới đây, tại cuộc làm việc với UBND TP Hà Nộivề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị làm rõ mức độ đáp ứng của hệ thống trường, lớp, phòng học chức năng để đảm bảo thực hiện chương trình; chính sách khuyến khích xã hội hoá nguồn lực thực hiện chương trình.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời bố trí nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.
Trong giai đoạn 2021-2025 TP Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn; cải tạo, sữa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.
Theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong giai đoạn 2021-2025 nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là: 51.294 tỷ đồng với 1.649 dự án.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất trong các địa phương trên cả nước với hơn 2.800 trường học, 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông và gần 123.000 giáo viên.
Trong đó, khối công lập có gần 2.300 trường với 1.855.307 học sinh và hơn 89.000 giáo viên, còn lại là các trường khối ngoài công lập với hơn 300.000 học sinh đang theo học...
Tỷ lệ huy động học sinh học trường ngoài công lập ở các cấp học còn thấp, nhất là ở cấp trung học phổ thông khu vực ngoại thành.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường học còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền.