Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ soạn thảo đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố.
Tổ soạn thảo gồm 36 người, trong đó có đại diện 11 sở, ngành và các quận, huyện. Đơn vị đang xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè trên cơ sở 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông.
Thứ hai, hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp bố trí hệ thống hạ tầng đô thị theo dọc tuyến.
Thứ ba, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận sử dụng đúng mục đích, đúng phạm vi cho phép.
Ảnh minh họa
Thời gian tới, tổ soạn thảo sẽ báo cáo thành phố và có thông tin cụ thể nội dung đề án, nguyên tắc tổ chức quản lý vỉa hè, lòng đường.
Việc thu phí vỉa hè là vấn đề rất phức tạp, cần nghiên cứu cụ thể vì liên quan đến tuyến phố, từng địa phương, từng quận huyện. Trong khi đó, mỗi tuyến phố lại có tính chất và đặc thù khác nhau.
Sau khi báo cáo và được Thành ủy, UBND TP.Hà Nội thông qua, tổ soạn thảo mới tính toán tiếp về thời gian, tiến độ cụ thể để triển khai đề án này. Dự kiến, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ trình Ban Cán sự Đảng bộ TP.Hà Nội về đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè vào quý 2; sau đó là quy trình để các cấp có thẩm quyền thông qua.
Đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố được xây dựng trong bối cảnh nhiều tuyến phố ở Hà Nội thường xuyên bị chiếm dụng, "xẻ thịt" để phục vụ mục đích cá nhân.
Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.
Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3 m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè
Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền.
Hồi tháng 5/2023, UBND TP.Hà Nội đã giao sở xây dựng phối hợp với sở GTVT, công an thành phố, UBND các quận, huyện lập đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè. Việc lập đề án phải đảm bảo hài hòa giữa an ninh, trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với sinh kế của nhân dân.
Tại Hà Nội, Q.Hoàn Kiếm là địa phương duy nhất cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu và 15 Ngô Quyền.
Dù thành công trong việc thu phí vỉa hè với các địa điểm trên nhưng lãnh đạo Q.Hoàn Kiếm thừa nhận đây không phải hình mẫu chung để áp dụng cho nhiều tuyến phố, do đặc trưng đa số tuyến phố có vỉa hè nhỏ nên cần tính toán để đảm bảo tối ưu về khai thác không gian.
Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7315848435141516/