Dự án thành phần 3 vành đai 4 Hà Nội theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm xây tuyến cao tốc 4 làn xe trong giai đoạn đầu, nâng lên 6 làn xe ở giai đoạn hoàn chỉnh, dài 113 km đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, dự kiến khai thác từ năm 2027.
Theo đề xuất của UBND Hà Nội, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí khởi điểm thấp nhất mỗi km 1.900 đồng; nhóm 2 (xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến 4 tấn) 2.470 đồng; nhóm 3 (xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn) 3.230 đồng; nhóm 4 (xe từ 10 tấn đến 18 tấn, xe container 20 fit) 5.130 đồng; cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft) 7.220 đồng.
Mô phỏng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Như vậy, nếu lưu thông toàn bộ vành đai 4, mức phí khởi điểm với xe con khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng mỗi lượt. Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến khi dự án hoàn vốn, dự kiến năm 2054.
Dự án thành phần 3 vành đai 4 có tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay là 53.633 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách 26.767 tỷ đồng, nguồn vốn BOT 26.865 tỷ đồng. Lãi vay trong thời gian thi công 2.659 tỷ đồng.
Giải thích về mức phí trên, UBND TP Hà Nội cho biết mức phí của dự án phù hợp khung giá tại Thông tư số 35/2016 của Bộ Giao thông Vận tải và tham chiếu theo khung giá vé của các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020.
Thông tư 35 quy định mức thu ở các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh tối đa trên một km cho xe nhóm 1 là 2.100 đồng, xe nhóm 5 là 12.000 đồng. Mức thu đối với xe chở hàng áp dụng theo trọng lượng toàn bộ xe, không phân biệt có chở hàng hay không.
So sánh với tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo phương thức PPP (thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2021), mức thu theo hợp đồng mỗi km là 2.100 đồng với xe tiêu chuẩn, đạt mức trần theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo ghi nhận, mức phí mỗi km các tuyến cao tốc quanh khu vực Hà Nội như Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay là 1.250 đồng đối với xe tiêu chuẩn. Trước đây, mức phí theo hợp đồng là 1.500 đồng và lộ trình 3 năm được điều chỉnh tăng 18%. Năm 2017, Chính phủ yêu cầu các dự án BOT giảm phí nên tuyến cao tốc này đã giảm xuống 1.250 đồng và chưa tăng trở lại đến nay.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có mức phí 2.000 đồng mỗi km đối với xe tiêu chuẩn, hợp đồng BOT quy định 5 năm được tăng phí một lần 20%. Từ khi khai thác năm 2015 đến nay, cao tốc này chưa điều chỉnh mức phí.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hiện có mức phí 2.100 đồng mỗi km với xe tiêu chuẩn, đạt tối đa khung giá.
Với mức phí đề xuất cho vành đai 4, UBND Hà Nội tính toán lợi nhuận của nhà đầu tư là 11,7%, lãi vay ngân hàng trong quá trình xây dựng và khai thác dự án là 10,3%, thời gian hoàn vốn 26,8 năm.
Với mức thu phí và phương án tài chính đã đề xuất, Hà Nội đánh giá dự án PPP vành đai 4 khi có vốn ngân sách hỗ trợ 26.767 tỷ đồng (gần 50% tổng mức đầu tư) sẽ đạt tính khả thi.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay mức phí khởi điểm với cao tốc 4 đến 8 làn xe tại khu vực đô thị từ 1.500 đồng đến 2.100 đồng mỗi km với xe tiêu chuẩn, nên mức phí 1.900 đồng mỗi km vành đai 4 áp dụng vào năm 2027 là hợp lý. Dự án PPP luôn phải tính toán phương án tài chính khả thi dựa trên lợi ích của ba bên là nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Về việc tăng phí thường kỳ sau 3 năm tuyến đường đi vào sử dụng, đại diện Bộ cho biết tình hình kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng nên mức chi trả dịch vụ đường bộ cũng có thể điều chỉnh tăng để đảm bảo khả năng thu hồi vốn của dự án. Các dự án BOT điều chỉnh phí sau 3 năm được các bên đánh giá là phù hợp.
Mức phí và phương án tài chính của dự án PPP ban đầu được tính toán theo lưu lượng phương tiện dự báo, chi phí đầu tư, lãi suất ngân hàng... Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, hàng năm cơ quan chức năng tính toán doanh thu trên lưu lượng phương tiện thực tế để điều chỉnh phương án tài chính. Có dự án phải kéo dài thời gian thu phí do lưu lượng thấp, giảm doanh thu, ngược lại khi dự án có doanh thu tăng so với phương án tài chính thì sẽ giảm thời gian thu phí.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông nhận định, mức phí dịch vụ đường bộ của dự án BOT nhằm hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường, bao gồm cả vốn nhà đầu tư và vốn ngân sách, lãi vay ngân hàng, lợi nhuận của nhà đầu tư
Ngoài ra, tiền phí dịch vụ còn phải chi trả công tác quản lý vận hành tuyến cao tốc khi khai thác, bao gồm chi phí vận hành thu phí, tổ chức đảm bảo an toàn giao thông, cứu nạn, chi phí bảo trì thường xuyên và sửa chữa lớn sau 5-10 năm. Dự án cao tốc thường có vốn đầu tư và chi phí bảo trì sau khi khai thác lớn, do đó mức phí sử dụng đường cao tốc cao hơn so với các dự án BOT quốc lộ.
Trước đó, Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội đề xuất phân chia dự án thành phần 3 thành 2 dự án thành phần hạng mục.
Một, dự án thành phần hạng mục 3.1 có tổng mức đầu tư 26.596 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn tuyến: từ trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7km.
Hai, dự án thành phần hạng mục 3.2 khoảng 28.456 tỷ đồng dùng vốn BOT. Hạng mục này sẽ đầu tư đường cao tốc các đoạn từ nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trước nút giao Quốc lộ 6 (không bao gồm cầu Hồng Hà), từ sau nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến trước nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long (không bao gồm cầu Hoài Thượng) theo phương thức PPP. Trong đó đề xuất giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư tổ chức thực hiện tiểu dự án đầu tư công
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng nội dung này chưa được đề cập cụ thể tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Vì vậy, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định pháp luật có liên quan để thuyết minh, làm rõ cơ sở đề xuất nội dung phân chia dự án. Trường hợp chưa làm rõ được cơ sở pháp lý, đề nghị không đề xuất.
Về phương án hoàn vốn, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết UBND TP. Hà Nội đề xuất thời gian thu phí là 25 năm, với tổng mức đầu tư là 55.052 tỷ đồng, tuy nhiên, Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì dự án có tổng mức đầu tư là 56.536 tỷ đồng, thời gian thu phí là 21 năm. Vì vậy, cần làm rõ việc tổng mức đầu tư giảm nhưng lại tăng thời gian thu phí.
Tham gia ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án về hiệu quả tài chính, Bộ Giao thông vận tải cho biết tại văn bản số 358/CPCTVN-KHTC ngày 19/4/2023 Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có ý kiến thẩm định một số nội dung, UBND TP. Hà Nội đã cập nhật, hoàn chỉnh trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước. Kết quả tính toán phương án tài chính cho thấy dự án cơ bản đảm bảo hiệu quả tài chính theo quy định.
Các thông số tính toán phương án tài chính là nội dung rất quan trọng đối với dự án đầu tư theo phương thức PPP. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tư vấn rà soát kỹ số liệu tính toán, dự báo nhu cầu vận tải của dự án, cập nhật ý kiến của Hội đồng thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, làm cơ sở để tính toán chuẩn xác tổng mức đầu tư, phân tích làm rõ tiến độ triển khai của toàn bộ dự án và từng hạng mục để làm cơ sở xây dựng tiền độ thực hiện, tiến độ giải ngân các nguồn bảo đảm phù hợp...
Trong văn bản đóng góp ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thánh phản 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đãi 4 - Vùng Thủ đô gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 7/2023, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội trên cơ sở đánh giá, so sánh toàn diện tính hiệu quả, khả thi của các phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đề xuất lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo khả năng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tham gia.
Tính đến tháng 10/2023, dự án Vành đai 4 Hà Nội đã bàn giao 643,43/706,71ha, đạt 91,04% mặt bằng thi công dự án. Tại Hà Nội, vành đai 4 dài 58,2 km; đi qua 6 quận huyện, bao gồm Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Tại Bắc Ninh, ngày 10/11 mới đây, tỉnh này đã chính thức khởi động dự án sau nhiều ngày chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, hoàn thành hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trình Bộ Xây dựng thẩm định, tiến hành lựa chọn các nhà thầu có uy tín năng lực. Gói thầu số 1, dự án thành phần 2.3, địa điểm xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) chính thức khởi động. Vành đai 4 đoạn qua Bắc Ninh có tổng chiều dài 35,3km, với vốn đầu khoảng 5.210 tỷ đồng; đi qua TP Bắc Ninh và 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ và Gia Bình. Tại Hưng Yên, tỉnh này cho biết Hưng Yên đến 31/12/2023 sẽ giải phóng toàn bộ mặt bằng dự án. Đoạn tuyến ở tỉnh này dài 19,3 km qua địa bàn 4 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. |