UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4, 6, 8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại quận Hoàng Mai.
Theo quyết định, dự án có quy mô sử dụng đất của công trình khoảng 4.516 m2, thuộc ô quy hoạch F1/HH6 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6499 ngày 27/11/2015 để xây dựng công trình nhà ở xã hội cao tầng. Mật độ xây dựng khối đế khoảng 66%, khối tháp khoảng 60%, chiều cao khoảng 31 tầng với quy mô dân số tối đa khoảng 1.154 người.
Theo đó, hai đơn vị thực hiện dự án là Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình. Về Công ty TNHH Hòa Bình, công ty do ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi với cái tên đại gia Đường "bia") là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty.
Dự án sẽ được xây dựng tại số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, Hoàng Mai. Tổng số vốn đầu tư khoảng 1.183,4 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 256,7 tỷ đồng, chiếm 21,69% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác, chiếm 78,31% tổng vốn đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án sẽ kéo dài từ quý II/2023 đến quý IV/2025. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở, ổn định đời sống của cán bộ công chức, người lao động thuộc cơ quan trung ương, cán bộ công chức của quận Hoàng Mai và người dân có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố.
Tại tọa đàm Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ: "Tôi có 2 khu đất ở Hà Nội, nếu làm nhà ở thương mại diện tích xây dựng khoảng 150.000 m2, lời khoảng 2.500 tỉ. Còn tôi làm nhà ở xã hội chỉ lời được khoảng 10%, tính ra lãi 200 tỷ".
Tuy nhiên, ông Đường cho biết, làm nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề là bán cho tất cả mọi đối tượng trong hệ thống chính trị: công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong các lực lương vũ trang, sinh viên…
"Trong thời gian tới, tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng mua nhà, cho người dân có đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội đăng ký. Theo tính toán thì tối thiểu cũng phải 20 triệu người đang có nhu cầu nhà ở xã hội. Trong vòng 20 - 30 năm tới thị trường nhà ở xã hội luôn có nhu cầu", ông Đường đưa ra đề xuất.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt, xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.
Số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, kể từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, tại Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 4.168 căn hộ.
Ngoài ra, Hà Nội hiện có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Cụ thể, 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,6 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.
Mới đây nhất, ngày 24/5 vừa qua, một dự án nhà ở xã hội tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đã chính thức khởi công xây dựng. Nơi đây sẽ có tổng cộng 720 căn hộ và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Chính phủ đang phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội tại các địa phương hoàn thành khoảng 1,06 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022-2025 và 2025-2030).