Thanh Tâm ·
2 năm trước
 2583

Hà Nội: Sẽ có 184 ha đất làm nhà ở xã hội tập trung tại Đông Anh

TP.Hà Nội định hướng làm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 280 ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại Đông Anh, đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội phục vụ người lao động; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tăng từ 27 m2 hiện nay lên 32 m2.

Thành phố sẽ xây mới gần 20 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; mỗi căn hộ có diện tích tối thiểu 40 m2. Trong đó, những căn khoảng 45 m2 sẽ tăng lên, đảm bảo giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Văn Tuấn cho hay, Hà Nội định hướng làm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 280 ha. Trong đó, Đông Anh có 2 khu, diện tích lần lượt 84 ha và gần 100 ha; Gia Lâm khoảng 55 ha, còn lại Thanh Trì, Thường Tín - mỗi khu vực khoảng 4 ha. TP.Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 38.000 căn hộ, đảm bảo 2,3 triệu m2 sàn nhà ở.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn, ông Tuân chia sẻ

Giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo của TP.Hà Nội, 25 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với diện tích 1,25 triệu m2 sàn. Thành phố có 52 dự án đang triển khai.

Giai đoạn 2021-2030, thành phố dự kiến có 113.000 căn hộ, vốn đầu tư xây dựng khoảng 12.500 tỷ đồng. Để thực hiện chương trình này, Phó Chủ tịch TP.Hà Nội đặt ra 5 giải pháp.

Một là đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội.

Hai là rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.

Ba là bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Thứ tư là kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.

Cuối cùng là khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.

Báo cáo từ Bộ Xây dựng, qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đã có 7 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công xây dựng. Trong quý II/2022, Bộ Xây dựng có kế hoạch tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn; lập danh mục các dự án nhà ở có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như: Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, NƠXH, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Nhằm tạo đà bứt phá trong đầu tư xây dựng NƠXH, trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã đề xuất những giải pháp cụ thể.

Nguồn: Kinh tế Môi trường