Chiều 20/9, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức ngay trước thời điểm hết giãn cách xã hội đợt 4 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố (6h ngày 21/9).
Tại hội nghị, phóng viên báo chí đặt vấn đề về việc đi lại của người dân sau 6h ngày 21/9 như việc di chuyển trong nội bộ thành phố ra sao, cần những điều kiện gì? Người dân có nhu cầu ra vào thành phố phải đáp ứng những điều kiện gì?
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sau ngày 21/9, Hà Nội không áp dụng việc phân 3 vùng phòng chống dịch, không áp dụng giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố.
Sau ngày 21/9, Hà Nội không áp dụng việc phân 3 vùng phòng chống dịch, không áp dụng giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố
Giám đốc Sở GTVT thành phố Vũ Văn Viện thông tin rằng Sở đã tham mưu thành phố tiếp tục duy trì các chốt cửa ngõ thành phố, đảm bảo kiểm soát việc người dân ra vào thành phố. Việc vận chuyển hàng hoá sẽ tạo điều kiện tối đa cho các xe luồng xanh đi qua thành phố. Riêng các xe đi vào thành phố vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo quy định hiện hành.
Theo ông Viện, thời gian tới, Hà Nội sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, một số địa phương ở Hà Nội đã được bán hàng mang về, nên sở tham mưu thành phố nghiên cứu cho phép thêm lượng người vận chuyển hàng hoá (shipper) hoạt động trên địa bàn thành phố, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ thành phố, 33 chốt ở các đường ngang lối mở, đảm bảo kiểm soát được người, phương tiện ra vào Thủ đô, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào thành phố.
Ông Dương nêu một số nguyên tắc kiểm soát ra vào thành phố, gồm: Kiểm soát cả chiều ra và chiều vào thành phố; kiểm soát chặt chẽ người về từ các vùng có dịch, nguy cơ, nguy cơ cao. "Không phải cấm vào thành phố, mà vào phải có điều kiện gì. Chúng tôi sẽ căn cứ vào cập nhật mức độ dịch tại các địa phương để đề ra các yêu cầu khi vào thành phố, công bố công khai", ông Dương nói.
Thành phố dự kiến cũng tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, hoạt động vận tải công cộng đến Hà Nội và hoạt động vận tải công cộng nội bộ thành phố. Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong nội đô sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.
Trước đó, theo thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu tại buổi giao ban trực tuyến Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố với các sở, ngành, quận, huyện thị xã chiều 19/9, ông Tuấn cho biết sau ngày 21/9, Thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn, vì thế việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai. Các khu vực điểm đỏ sẽ không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì cũng phải dừng xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo và xem xét kỹ các đề xuất để có các chỉ đạo cụ thể, hiệu quả nhất. Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, dự kiến, sau 21/9, Hà Nội sẽ không chia 3 phân vùng. Nơi nào nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ thì phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo tinh thần: “Không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”.
Như vậy, sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh thành lân cận, phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.