Ngày 5/4, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa đồng ý với đề xuất thay thế toàn bộ cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ. Trong số 262 cây phong trồng trên 2 tuyến đường của Hà Nội do một doanh nghiệp tặng và được trồng từ năm 2018; tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây đến nay đã có 45 cây chết, còn lại hơn 200 cây sống nhưng sinh trưởng và phát triển kém, rất hiếm mới thấy một cành cây có thể phát triển tốt.
Nhìn lại 3 năm trước, người dân thủ đô đã đón đợi vào sự phát triển của hàng cây Phong lá đỏ. Hà Nội từng được kỳ vọng biến tuyến phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh được như một tuyến phố “Châu Âu giữa lòng Hà Nội”. Nhưng với nỗ lực chăm sóc từng ngày, dùng nhiều biện pháp cứu chữa bệnh cho cây, sau nhiều lần “chết đi sống lại”, sắp tới sẽ được thay thế hoàn toàn. Dự kiến, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới này sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.
Hàng phong lá đỏ “trơ trọi” như cành củi khô sau 3 năm trồng thử nghiệm ở Hà Nội.
Trao đổi với Dân Việt, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp đã cho rằng, việc thay thế cây phong lá đỏ tại hai tuyến đường trên đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, đến nay mới chuẩn bị công tác thực hiện. Hơn 260 cây phong lá đỏ từng được kỳ vọng biến tuyến phố này như "Châu Âu giữa lòng Hà Nội" nay héo mòn, nhiều cây rơi vào tình trạng chết khô.
Sai lầm lớn nhất của Hà Nội là chọn cây nhưng không trồng thử đã đưa vào trồng với số lượng lớn dù chưa hiểu biết gì về loài phong lá đỏ. Trước đó, tôi còn ngỡ rằng Hà Nội đã trồng thử nghiệm loài cây này xem nó phát triển thế nào. Thế nhưng, khi không thử nghiệm, trồng trên dải phân cách đã chết. Mua cây giống thì đắt tiền, công chăm sóc lớn, bây giờ thay thế thì quá lãng phí", ông Khả chia sẻ.
Về việc trồng cây bàng lá nhỏ thay cho phong lá đỏ, GS.TS Lê Đình Khả cho rằng loài cây này trồng là được. Nhiều tuyến phố Hà Nội cũng đã trồng bàng lá nhỏ từ trước. Đây là cây tán rộng, sinh trưởng tốt.
Tuy nhiên, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp lại mong muốn trồng những cây có nguồn gốc trong nước thay vì các giống cây "ngoại lai".
"Đường Nguyễn Chí Thanh là tuyến phố đẹp nhất thủ đô. Tôi nghĩ thành phố không nên vội vàng trồng cây bàng lá nhỏ thay thế ngay.
Chúng ta nên có buổi tổng kết, xem xét những ý kiến cẩn thận xem ngoài cây bàng lá nhỏ, cây nào đẹp, phù hợp với cảnh quan đô thị tại tuyến phố này hay không. Chúng ta xem lại vụ trồng cây phong lá đỏ, cây mỡ thất bại… để làm bài học", GS.TS Lê Đình Khả chia sẻ.
Còn theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, bàng Đài Loan chỉ nên trồng ở một khu nào đó làm cảnh thì đẹp chứ không phù hợp để trồng ở dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.
“Thứ nhất, bàng Đài Loan là loại cây nhỏ, lá nhỏ không phải cây bóng mát. Thứ 2, Hà Nội đã trồng hàng vạn loại cây này rồi. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa giâm được loại cây này nên phải mua về từ nước ngoài rất đắt đỏ. Loại cây này lá bé, mùa đông rụng hết nên nhìn không đẹp.
Tôi gợi ý 2 loại cây vừa đẹp vừa là cây bản địa mà Việt Nam mà mình giâm được, đó là cây sau sau và hoa ban Tây Bắc. Các cây này đẹp, dễ sống, rễ bám chắc phù hợp trồng ở dải phân cách.
Thử tưởng tượng mỗi lần cây sau sau đến mùa lá đổ, màu vàng, màu đỏ sẽ rất đẹp hoặc cây hoa ban đến mùa nở sẽ rất đẹp, thu hút các nghệ sĩ nhiếp ảnh, giới trẻ đến chụp ảnh… nó sẽ tạo điểm nhấn cho con đường được mệnh danh là “đẹp nhất Hà Nội”. Tốt nhất đừng trồng cây ngoại lai, vừa đắt mà chưa chắc phù hợp khí hậu của mình”, ông Cường nói.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-thay-the-hang-phong-la-do-tai-sao-cu-phai-chon-cay-ngoai-lai-54329.html