Thành Vũ ·
36 tuần trước
 7955

Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí IQAir, sáng nay Hà Nội và TP.HCM cùng nằm trong nhóm 10 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao. Bầu trời của cả thành thành phố chìm trong bầu không khí màu trắng đục như sương mù, đến gần trưa mới tan.

Theo ghi nhận vào 8h sáng nay, Hà Nội có nồng độ bụi mịn trong không khí là 176 µm/m3 (trên 150 tương ứng màu đỏ, dưới 150 là màu cam và dưới 100 là màu vàng), đứng 6 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Còn TP.HCM là 164 µm/m3, xếp thứ 10.

Hôm nay cũng là ngày ô nhiễm nhất trong tuần đối với Hà Nội. Trước đó mức ô nhiễm dao động từ 113 - 156 µm/m3, 3 ngày tiếp theo sẽ giảm dần từ 123 - 104 µm/m3. TP.HCM cũng có tình trạng tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn,  từ 112 - 115 µm/m3 tương đương với màu cam, các ngày tiếp theo trở về màu cam nồng độ bụi mịn dưới 100.  

Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Minh họa. 

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 bình quân trong năm của cả hai thành phố này đều cao hơn gấp đôi so với mức khuyến cáo.

Cảm nhận lúc 9 giờ tại Hà Nội, trời nắng nhưng bầu trời trắng đục mà theo các chuyên gia là do hiện tượng mù khô do ô nhiễm không khí gây ra. Đây cũng là hiện tượng thường xuyên xuất hiện vào đầu mùa khô khi không còn mưa để làm sạch không khí, bụi mịn và hơi nước tạo thành hỗn hợp màu trắng đục. 

Người dân được khuyến cáo nên theo dõi chất lượng không khí qua các phương tiện thông tin chính thống. Khi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại nên hạn chế vận động tập thể dục ở ngoài trời. Nếu có việc cần ra đường nên sử dụng khẩu trang có thể lọc được bụi mịn. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối. Mỗi tối trước khi ngủ nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý. 

Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu…

Tại Công văn số 4108/KSONMT-CLMT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nội dung:

Một là, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên tục, không bị gián đoạn; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI); công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

Hai là, tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải; yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trườn.

Ba là, tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Các địa phương chưa xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng Kế hoạch để ban hành thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.