Minh Anh ·
20 tuần trước
 7818

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng như thế nào?

Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. 3,5 triệu người dân thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO.

Hà Nội hiện đang trong giai đoạn ô nhiễm không khí nhất trong năm. Chỉ số chất lượng không khí (gọi tắt là AQI) tại Thủ đô Hà Nội suốt từ đầu tháng 2 đến nay có tới 10 ngày ở mức kém. Thậm chí ngày 2/2, chất lượng không khí còn ở mức xấu. Nồng độ bụi mịn lên tới 197, có hại cho sức khỏe của mọi người, nhất là nhóm người nhạy cảm, mắc các bệnh về hô hấp, người già và trẻ nhỏ. Đây chỉ là con số tính trung bình trên toàn thành phố Hà Nội.

Hay trong những ngày đầu tháng 12, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội rất nghiêm trọng, có thời điểm mức độ ô nhiễm thậm chí nằm trong top cao nhất thế giới.

Những ngày qua, Hà nội chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (Ảnh: Dân Trí)

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), lúc 10 giờ sáng ngày 9/12/2023, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) ở nhiều khu vực tại Thành phố Hà Nội đang dao động ở mức trên 150 đơn vị, đây là mức độ gây hại cho sức khỏe.

Liên tiếp những ngày gần đây, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới.  Ứng dụng AirVisual cũng ghi nhận lúc 8h ngày 3/12, Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ xếp sau Karachi và Lahore (Pakistan) với chỉ số 182. Vậy tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn này nguyên nhân do đâu, ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, sức khỏe của người dân?

Qua quá trình thực đo, mới đây, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu.

40% dân số của thủ đô Hà Nội đã bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia. Đó là kết quả từ năm 2015. Nhưng có lẽ con số này đến nay cũng không giảm, bởi gần 8 năm trôi qua, vấn đề ô nhiễm do giao thông chưa được giải quyết.

Giao thông được chỉ mặt, đặt tên là nguyên gây ô nhiễm nội tại lớn nhất của Hà Nội. Nhưng lượng bụi mịn do giao thông chỉ chiếm 1/3 số bụi mịn ở Hà Nội. Các số liệu đo đạc đã cho thấy nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí lại nằm ở yếu tố bên ngoài. 2/3 lượng bụi mịn có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn cũng như các làng nghề.

Các làng nghề nằm ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh vẫn ngày ngày thổi khói bụi về phía thủ đô. Các loại khói thải này được sinh ra từ việc đốt than, đốt củi tại các nồi hơi và lò nung. Gần 100 làng nghề hoạt động không ngày nghỉ cũng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm tại chính hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Lo ngại nhất là khói thải từ những làng nghề tái chế.

Bằng dữ liệu vệ tinh, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra xu thế bụi mịn tiếp tục được vận chuyển từ khu vực bên ngoài vào Hà Nội. Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến làng nghề của Bắc Ninh hay Hưng Yên chỉ khoảng 30km. Vào những ngày có gió, bụi mịn không chỉ được vận chuyển vào Hà Nội nhanh mà còn đậm đặc hơn rất nhiều.

Hoạt động của con người đều là các nguồn gây ô nhiễm không khí. Trên cơ sở mức độ ô nhiễm được quan trắc cũng như tác động được đánh giá, các can thiệp dưới đây được khuyến nghị thực hiện cho Hà Nội:

+ Giảm sử dụng than và sinh khối đối với nồi hơi và lò nung tại các làng nghề;

+ Ngăn chặn bụi đường bằng cách trải nhựa và phun nước;

+ Tăng cường kiểm soát khí thải đối với ô tô và xe máy;

+ Hạn chế phương tiện có lượng khí thải cao;

+ Hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn phương tiện không đủ tiêu chuẩn về khí thải;

+ Thúc đẩy giao thông công cộng, đẩy mạnh phương tiện ô tô và xe máy điện.

Tập trung nguồn lực kiểm soát ô nhiễm không khí

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng, mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với người hoạt động ngoài trời lúc sáng sớm và chiều tối.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là từ các điểm đốt rác thải, rơm rạ, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất kiểm soát khí thải, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí...

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7176406775752350/