Dự án xây dựng 2 cầu đô thị tại nút giao Mai Dịch thuộc dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long – Vành đai 3 Hà Nội, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, Tập đoàn TAISE (Nhật Bản) là nhà thầu thi công; Tổng mức đầu tư của hạng mục trên dự kiến hơn 348 tỉ đồng. Trong đó vốn vay ODA Nhật Bản hơn 291 tỉ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 56,7 tỉ đồng.
Hà Nội xây dựng 2 cầu đô thị tại nút giao Mai Dịch. (Ảnh: Vĩnh Hoàng)
Theo đó, 2 cầu đô thị nằm song song với cầu vượt Mai Dịch có quy mô đường đô thị cấp 1. Bề rộng mỗi cầu là 7,75m, gồm: 1 làn xe cơ giới rông 3,5m và 1 làn xe hỗn hợp rộng 3m, còn lại là dải an toàn và bó vỉa.
Về mặt kỹ thuật, hai đơn nguyên cầu đô thị được xây dựng là cầu vĩnh cửu kết cấu dầm thép bản mặt bê tông cốt thép liên hợp, tĩnh không dưới là 4,75m, tĩnh không đường đô thị đi trên cầu vượt là 4,5m.
Về tổ chức giao thông tại nút giao Mai Dịch – Xuân Thủy đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt. Nhà thầu sẽ căn cứ vào phương án của Sở để rào chắn phạm vi thi công cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng để phân luồng, đảm bảo an toàn thi công và lưu thông của người dân.
Cầu vượt Mai Dịch hiện nay kết nối đường vành đai 3 đoạn Phạm Hùng với Phạm Văn Đồng, phía dưới cầu là giao cắt giữa đường Xuân Thủy với đường Hồ Tùng Mậu. Đây là nút giao thông quan trọng ở phía Bắc Hà Nội có lưu lượng giao thông rất lớn.
Tuy nhiên, cầu vượt Mai Dịch được xây dựng trước khi có quy hoạch phần trên cao đường vành đai 3 Hà Nội. Do vậy, khi đường vành đai 3 trên cao đoạn Pháp Vân đến Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành, cầu vượt Mai Dịch nằm ở giữa lại không kết nối cùng mặt bằng với đường trên cao. Đường vành đai 3 trên cao chỉ dành cho ôtô nhưng cầu vượt Mai Dịch lại cho phép cả xe máy đi cùng ôtô làm hạn chế năng lực lưu thông, mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, ngã tư phía dưới cầu vượt Mai Dịch thường xảy ra ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải cùng TP Hà Nội thống nhất nghiên cứu, tổ chức giao thông qua cầu vượt Mai Dịch đồng bộ với phần đường trên cao.
Sau khi dự án được hoàn thiện kỳ vọng sẽ tăng năng lực giao thông qua nút giao Mai Dịch, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận.
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc Vành đai 3 Hà Nội được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư ngày 3/9/2013 với tổng tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 4.525 tỷ đồng vốn ODA và 817,9 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Công trình đã thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 10/2020. Sauk hi hoàn thành dự án vẫn còn dư khoảng 2.114 tỷ đồng, gồm: 1.657 tỷ đồng vốn ODA và 457 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, sau hơn 2 năm đưa vào khai thác cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long đã góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các khu vực này. Trong tương lai khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến đường vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của thành phố Hà Nội, cũng như khu vực hai bên sông Hồng tạo nên trục không gian cảnh quan của Thủ đô. |