TM ·
2 năm trước
 23824

Hà Nội: Xử lý ‘nóng’ rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19

Hà Nội đề nghị tăng cường thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trong ngày đối với rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 đang tăng cao, để bảo đảm an toàn môi trường, tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản 1412.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền và giám sát việc phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại khu vực cách ly, phong tỏa, trạm y tế lưu động, cơ cở thu dung điều trị F0, các trường hợp cách ly điều trị tại nhà.

Hà Nội: Xử lý ‘nóng’ rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1
Hà Nội ưu tiên xử lý trong ngày rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh (ảnh minh họa).

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đội phòng dịch cơ động tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn để không tồn đọng chất thải có nguy cơ lây nhiễm tồn đọng trong dân cư, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, gây bức xúc dân sinh.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm trên địa bàn kịp thời thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại lây nhiễm phát sinh trên địa bàn; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm các quy định về quản lý chất thải.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại lây nhiễm theo đúng lịch trình đã ký với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và theo đúng chủng loại, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, quy trình xử lý theo đúng Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; đặc biệt phải ưu tiên xử lý trong ngày.

Đồng thời, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã trong việc giám sát để kịp thời báo cáo các địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp không phân loại và lưu giữ chất thải phát sinh theo quy định.

Tính đến nay, Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 780.000 ca mắc, TP.HCM trên 566.500 ca, kế đến là Bình Dương 336.200 ca, Bắc Ninh trên 217.700 ca và Nghệ An gần 206.000 ca.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện còn trên 2 triệu F0 đang điều trị, nhưng trong số này chỉ có dưới 4.000 người chuyển nặng, số chuyển nặng như vậy đã giảm nhẹ so với tuần trước.

Đáng chú ý số ca tử vong cũng tiếp tục giảm, ngày 12/3 có 62 bệnh nhân tử vong, trong khi trung bình tuần vừa qua ghi nhận 81 ca tử vong/ngày, còn tuần trước đó là 87 ca/ngày.

Tỉ lệ tử vong/tổng số mắc nhờ vậy đã tiếp tục giảm, xuống mốc 0,7%, trong khi cao điểm tỉ lệ này là 2,2%, thời điểm tháng 2 ở mức 1%. Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục theo dõi số ca tử vong, số chuyển nặng và đây là những căn cứ quan trọng khi có thể đánh giá COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa.

Xuân Hòa

Nguồn: Kinh tế Môi trường