Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3683

Hà Tĩnh: Nhiều hồ, đập chứa nước bị hư hỏng, mất an toàn

Thời gian khai thác, sử dụng đã lâu kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ khiến cho nhiều hồ, đập chứa nước ở tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Theo thống kê, thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh có 348 hồ chứa, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước và 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hàng năm, các hồ đập này cung cấp nước tưới cho trên 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.

Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, hiện nay, toàn tỉnh có 86 hồ đập bị thấm. Trong đó có 15 công trình bị thấm nặng, 108 hồ đập bị biến dạng mái đập, sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu. Bên cạnh đó, có 7 công trình bị nứt ngang thân đập. Ngoài ra, nhiều hồ đập xảy ra hiện tượng sạt lở, hư hỏng tràn xả lũ, bể tiêu năng, cống lấy nước.

 Nguyên nhân được xác định là do thời gian khai thác, sử dụng đã lâu, lưu vực nước so với hồ chứa không cân bằng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ khiến cho các hạng mục bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh… 1 trong những đập chứa nước lớn của huyện Hương khê là Đập Trạng ở xã Hương Thủy có dung tích 1,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho khoảng 60ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau hàng chục năm khai thác, sử dụng cũng đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hai bên mang tràn xả lũ đập Trạng bị nước xói lộng nhiều vị trí, nước thấm qua thân đập, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và tích nước phục vụ sản xuất.

Đập Trạng ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê).

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết: “Đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập. Tăng cường kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình, nhất là những hồ chứa nước xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao. Chủ động khai thác, vận hành và triển khai các phương án ứng phó, bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi và người dân trong mùa mưa lũ”.