Tiến Đạt ·
3 năm trước
 1486

Hà Tĩnh: Vai trò quản lý nhà nước ở đâu trước nạn khai thác đá bạc trái phép?

Tình trạng khai thác đá bạc trái phép tại Hà Tĩnh khiến nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt”, hồ đập bị ảnh hưởng. Nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay những "khoáng tặc" vẫn chưa bị xử lý.

Loạt bài viết của Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng khai thác đá bạc (đá thạch anh) trái phép tại Hà Tĩnh đề cập đến việc nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt”, hồ đập bị xâm lấn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường. Các lực lượng chức năng như Công an, Viện Kiểm sát, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã nắm bắt vụ việc, vào cuộc để xác minh.

Ngày 25/3/2021, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn 970 trả lời một số nội dung mà Tạp chí Kinh tế Môi trường đề cập đến.

Đẩy trách nhiệm quản lý cho địa phương?

Theo đó, về quan điểm xử lý những vấn đề vi phạm đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung và hoạt động khai thác đá thạch anh trái phép trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Hà Tĩnh khẳng định "kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành đối với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, trong đó có cả hoạt động khai thác đá thạch anh trái phép".

Đá bạc được các đối tượng khai thác trái phép tại xã Kỳ Lạc. (Ảnh: Tiến Đạt)

Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho hay, Sở đã thực hiện nghiêm, đầy đủ trách nhiệm trong công tác trong công tác tham mưu, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Khi nắm bắt được thông tin, Sở đã trực tiếp phối hợp với các ngành chức năng, địa phương kiểm tra, xử lý.

Đá bạc sau khi khai thác được xay nhỏ rồi đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Tiến Đạt)

Ngoài ra, theo quy định của Luật Khoáng sản, UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép.

 Vì sao vẫn chưa thể xử lý?

Trước đó, ở một diễn biến khác, Phóng viên Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với Trung tá Bùi Thanh Tùng, Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh vì liên quan đến việc địa phương này có một điểm khai thác đá bạc và bãi tập kết đá bạc của Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Trung Hậu tại phường Kỳ Long.

Một điểm khai thác đá bạc tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh. (Ảnh: Tiến Đạt)

Trước câu hỏi việc lực lượng công an có đầy đủ cán bộ chính quy từ phường, xã nhưng việc tập kết, chế biến đá bạc vẫn rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, vị Trưởng công an huyện giải thích: Vừa rồi lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch Covid-19, rồi bão lũ, rồi Tết, sau khi báo chí nêu, thấy có cơ sở thì đơn vị đã cho xác minh, xử lý.

“Lúc lực lượng vào kiểm tra tại bãi tập kết, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp để nguyên hiện trạng để phục vụ công tác điều tra”, Trung tá Tùng nói.

Đá bạc được tập kết tại bãi ở phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, thuộc Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Trung Hậu. (Ảnh: Tiến Đạt)

Sau sự việc nói trên, những người đứng đầu các cơ quan như công an, chính quyền xã, huyện, Viện Kiểm sát đã nắm bắt vào cuộc để xác minh, điều tra, xử lý sai phạm. Song đến nay, việc xử lý “khoáng tặc” ăn cắp tài nguyên, trục lợi bất chính vẫn chưa được thực hiện. 

Đáng nói, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có Công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, cũng như đặt lịch làm việc nội dung về sự việc trên. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 158/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Khoáng sản về Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp thì UBND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Chỉ đạo UBND cấp huyện đề xuất kế hoạch; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương theo định mức chi ngân sách do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Còn theo điểm d khoản 1 Điều 17, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn địa phương mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

Về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chia sẻ, khai thác khoáng sản trái phép sẽ làm lũng loạn thị trường về khoáng sản. Doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản thì cần rất nhiều thủ tục, chi phí và thời gian mới được chấp thuận nhưng "khoáng tặc" lại bỏ qua hết các bước để ăn cắp tài nguyên.

Cũng theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, vấn đề đáng lo ngại nhất chính là môi trường. Bởi khi doanh nghiệp khai thác trái phép sẽ không quan tâm đến môi trường xung quanh. Họ chỉ muốn nhanh chóng khai thác triệt để bất kể ngày đêm để chiếm hữu được tài nguyên. Ngoài ra, hành vi khai thác khoáng sản trái phép sẽ gây bức xúc dư luận.

"Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?", ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Liên quan đến vụ xẻ núi khai thác đá bạc trái phép tại tỉnh Hà Tĩnh, VIASEE vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản.

Cụ thể, đến nay, sau hơn một tháng kể từ ngày các cơ quan chức năng nắm bắt và vào cuộc, sự việc trên vẫn chưa được xử lý. Chính vì vậy, mới đây, VIASEE đã có văn bản số 06/TN-BCH do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường ký. Kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản. Văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Văn bản của TW Hội Kinh tế Môi trường khẳng định: "Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường – cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có loạt bài phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ diễn ra công khai nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào phát giác, sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan ban ngành đã cho thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương".

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-tinh-chinh-quyen-bat-luc-truoc-nan-khai-thac-da-bac-trai-phep-54185.html