Sở Y tế TP.Hải Phòng tổ chức Hội nghị hướng dẫn phòng chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue. (Ảnh: CTTTP)
Vừa qua, Sở Y tế TP.Hải Phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) năm 2024. Tại Hội nghị, các đại biểu được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh SXHD trên địa bàn; hướng dẫn quy trình giám sát bệnh, xử lý ổ dịch; cập nhật chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh SXHD. Tham dự Hội nghị có gần 200 cán bộ, nhân viên y tế đến từ các Bệnh viện, Trung tâm y tế, Phòng Y tế các quận/huyện trên địa bàn thành phố.
Trước đó, chiều 17/6, Sở Y tế TP.Hải Phòng cũng tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch SXHD trên địa bàn. Nhận thấy tình hình dịch SXHD diễn biến phức tạp, TP.Hải Phòng đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống dịch. Tính đến 15/6/2024, ghi nhận tại TP.Hải Phòng có tổng số 1.032 ca mắc SXHD, tăng gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc tăng nhanh từ tuần thứ 22 trở lại đây. Toàn thành phố có 131 ổ dịch, số mắc tập trung tại Lê Chân (646 ca), Hải An (169 ca), Ngô Quyền (73 ca). Có 154 ca có dấu hiệu cảnh báo (tỷ lệ 15%). Chưa ghi nhận ca tử vong do SXHD.
Tính đến ngày 15/6/2024, cả nước ghi nhận 24.843 trường hợp mắc SXHD, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Bệnh Sốt xuất huyết Dengue đang gia tăng trên địa bàn TP.Hải Phòng.
Bệnh SXHD có thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày. Người mắc bệnh bị sốt cao đột ngột liên tục từ 2-7 ngày, có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: biểu hiện xuất huyết ở nhiều mức độ, chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
Nguyên nhân nhiễm bệnh có thể xuất hiện và lây lan ở nơi đông dân cư tập trung, dân cư sống chen chúc và số người cảm thụ cao; vùng có vệ sinh môi trường kém; quá trình đô thị hoá và di dân.
Trước tình hình dịch bệnh SXHD đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, cũng như tại TP.Hải Phòng, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế thành phố đề nghị các Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Y tế các quận/huyện bám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND các quận/huyện có giải pháp phòng chống dịch cụ thể phù hợp từng địa phương; rà soát vật tư hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; xây dựng phương án ứng phó với tình hình dịch SXHD có diễn biến xấu.
Qua đó, Sở y tế yêu cầu các cơ sở y tế khám, chữa bệnh phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm những trường hợp bị nhiễm bệnh để xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, tập huấn hướng dẫn cách phòng chống bệnh, cách phát hiện những dấu hiệu ủ bệnh đối với gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; thừa cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi; bệnh mạn tính.