Trước đó, trong khi tiến hành hoạt động kiểm tra định kỳ tại các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cơ quan chức năng đã phát hiện một cá thể gấu không gắn chíp quản lý tại hộ gia đình ông Đào Mạnh Hoài ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết liệt chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, địa phương liên quan vào cuộc, kiểm tra rà soát và vận động chủ gấu giao nộp cá thể gấu trái phép cho nhà nước, đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu chủ gấu cố tình vi phạm. Chính vì vậy, ngày hôm nay, cá thể gấu đã được chủ nuôi chuyển giao tới Cơ sở bảo tồn gấu tại Ninh Bình.
Hải Phòng là một trong nhiều địa phương trên cả nước đang nỗ lực chấm hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố. Trước đó, từ đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã có văn bản chỉ đạo chung đến các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, yêu cầu các cơ quan tăng cường vận động các hộ gia đình có gấu nuôi nhốt trên địa bàn tự nguyện chuyển giao gấu nuôi cho nhà nước.
Cá thể gấu được đặt tên là Cam trước khi được chuyển về Cơ Sở Bảo Tồn Gấu Ninh Bình (Ảnh: FOUR PAWS)
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “ENV hoan nghênh sự quyết tâm cao và những nỗ lực của chính quyền thành phố Hải Phòng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật của thành phố. Việc xử lý nhanh chóng, quyết đoán của chính quyền thành phố Hải Phòng đối với các vi phạm liên quan tới gấu sẽ giúp thành phố sớm chấm dứt được tình trạng nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố.”
Khi về Cơ Sở Bảo Tồn Gấu Ninh Bình, gấu đã được chuyển vào khu cách ly để kiểm tra sức khỏe và chăm sóc (Ảnh: FOUR PAWS)
Tính đến cuối tháng 3/2021, cả nước còn khoảng 370 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật. Riêng thành phố Hà Nội đang là điểm nóng nhất về nuôi nhốt gấu với 161 cá thể (tính đến ngày 28/04), chiếm gần 44% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước. Trong hơn hai năm qua, 03 cá thể gấu bất hợp pháp được phát hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội, tuy nhiên cho đến nay 2/3 số gấu bất hợp pháp này vẫn chưa được tịch thu và chuyển giao cho trung tâm cứu hộ. “ENV kêu gọi chính quyền thành phố Hà Nội noi gương thành phố Hải Phòng và quyết liệt chỉ đạo Chi cục kiểm lâm thành phố và chính quyền các quận, huyện cương quyết đấu tranh với các vi phạm liên quan đến gấu nhằm sớm chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật trên địa bàn thành phố Hà Nội,” bà Dung nói. “Việc đăng ký, gắn chip cho các cá thể gấu bất hợp pháp không những vi phạm các quy định hiện hành của Chính phủ mà còn khiến cho tình trạng nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố Hà Nội càng trở nên phức tạp và không thể chấm dứt hoàn toàn được như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước,” bà Dung nhấn mạnh.
Nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu (ENV, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới - World Animal Protection và Tổ chức FOUR PAWS) cho rằng hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ chỉ có thể chấm dứt hoàn toàn tại Việt Nam khi có sự cam kết và vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong việc xử lý các trường hợp nuôi nhốt bất hợp pháp bị phát hiện trên địa bàn.
"Hoạt động chuyển giao gấu tại Hải Phòng ngày hôm nay lại là một điểm sáng đáng khích lệ, đánh dấu thêm 1 bước tiến trong nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Trong khi rất nhiều tỉnh thành đang bắt nhịp với xu thế chung của cả nước, Hà Nội lại đang tụt hậu phía sau và là điểm nóng nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam” Bà Maya Pastakia, Giám đốc Chiến dịch của Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới bình luận.
“Họat động nuôi nhốt gấu lấy mật không chỉ tàn nhẫn và gây tổn thương cho gấu mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam. Đã đến lúc chính quyền thành phố Hà Nội cần có những biện pháp kiên quyết hơn để chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Thủ đô." Bà Maya kêu gọi.
Cả 2 loài gấu của Việt Nam: gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus) đều được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) cũng như được liệt kê trong Nhóm IB, loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Các cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp (từ trước 2005) chỉ được phép nuôi nhốt nếu cá thể gấu “có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử”. Hành vi “nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử” là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người có hành vi nuôi, nhốt, vận chuyển trái phép gấu ngựa (tùy theo số lượng), có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù (đối với cá nhân). |