Ly Ly ·
1 năm trước
 1723

Hai phương án tính lương đóng BHXH khu vực doanh nghiệp

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) gồm lương, phụ cấp, khoản bổ sung cố định lẫn biến động.

Dự án Luật BHXH (sửa đổi) là một nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì soạn dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Chính phủ vào tháng 6/2023. Dự kiến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).

Bộ LĐTB&XH đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.

Báo cáo về dự án luật này tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với lãnh đạo Bộ LĐTB&XH vừa qua, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-LĐTBXH thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ban soạn thảo đã tổ chức các cuộc họp để trao đổi, cho ý kiến về: Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật BHXH (sửa đổi); quan điểm xây dựng luật; một số nội dung lớn và cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Bộ LĐTB&XH cho biết, quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống; Quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động; Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; Một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH; Mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện pháp luật về BHXH còn có vướng mắc về cả quy định pháp lý và thực tiễn thực hiện; Quy định về công nghệ thông tin, công nghệ, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0;...

Đáng lưu ý, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.

Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.

Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.

Phương án hai, căn cứ đóng là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Tiền lương đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng.

Dự luật còn đưa ra mức lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất trong doanh nghiệp là 2 triệu và cao nhất 36 triệu đồng. Chính phủ điều chỉnh mức này dựa trên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời quy định việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng tham gia BHXH của lao động và chủ doanh nghiệp.

Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Dự kiến dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, sau năm 2016, tức thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hằng năm.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, mặc dù pháp luật hiện hành quy định rõ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác song thực tế mức đóng ở các doanh nghiệp chỉ là trên nền tiền lương tối thiểu, nên nhìn chung mức đóng khá thấp.

Theo ông Quảng, tiến tới đây khi sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội, Nhà nước cần xem xét bổ sung quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp tiến tới ít nhất bằng khoảng 60% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.

"Tức là chúng ta phải dần dần nâng mức đóng lên, bởi vì chúng tôi được biết theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cũng như chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế thì tỷ lệ hưởng lương hưu so với mức đóng của Việt Nam là khá cao so với các nước khác. Song vấn đề là mức đóng của chúng ta khá thấp", ông Quảng lí giải.

Nói về việc dù pháp luật đã quy định rõ như vậy, nhưng các doanh nghiệp hầu như không thực hiện đủ, để khắc phục tình trạng này, ông Quảng cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm về vấn đề này.

“Một mặt cần tiếp tục hoàn thiện quy định về mức sàn tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, nhưng đồng thời cần thực thi nghiêm. Nghĩa là sau khi luật được ban hành phải tăng cường thực thi để các doanh nghiệp đóng đúng. Theo nguyên lí, đóng thiếu cũng là vi phạm. Như vậy, tóm lại là cần làm tốt cả hai khâu, hoàn thiện và thực thi pháp luật cho nghiêm mới đảm bảo quyền lợi của người lao động”, ông Quảng nhấn mạnh.