"Trầy trật" giảm lỗ
Riêng Vietnam Airlines với 100 chiếc máy bay đã bay 115.987 chuyến. Hãng hàng không này đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải hơn 51.460 tỷ đồng. Doanh thu này cao gấp đôi hai năm 2020 và 2021 gộp lại.
Hàng không nội địa phục hồi nhanh đem lại tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines năm 2022 tăng 150%, tương đương 30.258 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý IV/2022 hãng này tiếp tục báo lỗ từ công ty mẹ, hãng bay Pacific Airlines và công ty dịch vụ mặt đất so cùng kỳ năm 2021.
Các hãng hàng không lại liên tiếp báo lỗ tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí âm vốn. (Ảnh minh họa)
Hãng hàng không quốc gia lý giải do các chi phí liên quan đến bán hàng, chi phí tài chính gia tăng, theo đó lỗ công ty mẹ tăng hơn 346 tỷ đồng. Tính chung, hãng hàng không này lỗ hơn 8.634 tỷ đồng trong năm 2022.
Đối với hãng bay VietJet Air, trong năm 2022, hãng khai thác 115.349 chuyến, đem về doanh thu hợp nhất trong năm của hãng này khoảng 39.340 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so năm 2021. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ này vẫn lỗ gộp hơn 2.165 tỷ đồng do giá vốn cả năm là 41.500 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính, doanh thu quý IV/2022 của hãng bay này tăng gấp hơn 2,7 lần nhưng hãng vẫn lỗ hơn 3.330 tỷ đồng.
Tương tự, hai hãng hàng không Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng nhìn nhận chưa thể có lãi do nhiên liệu, tỉ giá, lãi suất tăng cao nên không thể bù đắp được các chi phí khai thác, nhiên liệu và tiền thuê máy bay.
Các hãng bay thừa nhận dù mạng bay nội địa phục hồi nhanh, khách đi máy bay nhộn nhịp nhưng doanh thu chính lại là trên đường bay quốc tế. Tuy nhiên, những đường bay này đang phục hồi chậm nên dòng tiền, lợi nhuận chưa thể bằng giai đoạn khi chưa bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, các yếu tố khác như giá nhiên liệu vọt lên 130 USD/thùng, trong khi năm 2021 giá nhiên liệu bình quân khoảng 72 USD/thùng. Ngoài ra, xung đột chiến tranh Nga - Ukraine, biến động tỉ giá và lãi suất tăng cao nên hoạt động kinh doanh các hãng lỗ trong cả năm.
Phục hồi nhưng chưa đồng đều
Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Theo đó, thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Còn vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.
Do đó, lợi nhuận các doanh nghiệp thu không tương ứng với doanh thu, cộng thêm gánh nặng từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
Cùng với đó, “sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi do dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát”, ông Dũng nêu rõ khó khăn.
Đánh giá về tiềm năng ngành hàng không nửa cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ cao hơn nửa đầu năm, dựa trên ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhu cầu đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh.
Thứ hai, khách quốc tế ước tính tăng dần đến cuối năm. Những tháng đầu năm, khách quốc tế chỉ đạt trên 10% trước dịch do Việt Nam nới lỏng các quy định, không còn kiểm soát biên giới hay cách ly, xét nghiệm Covid-19.
Thứ ba, nhu cầu tăng giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ. Nếu giá dầu bình thường hóa có thể giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm nay.