Minh Phương ·
3 năm trước
 1883

Hàng loạt doanh nghiệp tại Bắc Ninh bị xử phạt vì vi phạm bảo vệ môi trường

UBND tỉnh Bắc Ninh liên tiếp xử phạt doanh nghiệp, cơ sở vi phạm môi trường. Cụ thể, ngày 24/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt 11 công ty vi phạm về bảo vệ môi trường với tổng mức phạt hơn 4 tỉ đồng.

Theo các quyết định, 11 công ty, hộ kinh doanh sản xuất có các vi phạm như: Hoạt động sản xuất nhưng không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ, không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Cụ thể, Công ty Cổ phần Giấy Hưng Lợi bị phạt 390 triệu đồng; Công ty Giấy và Bao bì Phú Cường phạt 340 triệu đồng; Công ty Nam Long - (TNHH) phạt 300 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Giấy Anh Quốc 340 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh giấy Toàn Tiến 300 triệu đồng; Công ty TNHH Giấy Tân Kim Ngân 300 triệu đồng; Công ty Giấy và Bao bì Phú Cường 340 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giấy Đức Tiến 340 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giấy Đức Tiến 340 triệu đồng.

Các công ty trên đều bị chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 4,5 tháng.

Bắc Ninh

Nước thải vô tư xả thẳng ra môi trường tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm. (Ảnh: Hải Hà)

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng xử phạt cơ sở sản xuất giấy của ông Nguyễn Trọng Lâm tại Cụm Công nghiệp Phong Khê 2 số tiền 175 triệu đồng; Công ty TNHH Giấy Song Kiệt 350 triệu. Cả 2 công ty này đều bị đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Đáng lưu ý, trong các doanh nghiệp bị xử phạt lần này, Công ty TNHH Giấy Tiến Tài (Cụm Công nghiệp Phong Khê) có vi phạm nặng nề. Công ty xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày… Công ty bị xử phạt 500 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng.

Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các công ty và các hộ kinh doanh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm về UBND tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, cuối tháng 4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định xử phạt 2,23 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê vì xả thải không đạt chuẩn ra môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Phong Khê và Cụm Công nghiệp Phú Lâm đã kéo dài dai dẳng nhiều năm nay. Thời gian gần đây, tình hình ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp tiếp tục ngang nhiên xả thải gây ngập đường giao thông trong Cụm Công nghiệp Phú Lâm làm ảnh hưởng đến cuộ sống và sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực này...

Bởi thực trạng đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã liên tiếp xử phạt doanh nghiệp, cơ sở vi phạm môi trường. Việc làm này thể hiện quyết tâm của UBND tỉnh Bắc Ninh nhằm ngăn chặn, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, hiện trạng các làng nghề là khu vực ở nông thôn tồn tại nhiều bất cập về môi trường. Ô nhiễm môi trường tại làng nghề nói chung đa dạng do khí thải, nước thải, chất thải rắn và cả ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn… ở nhiều làng nghề đã trở nên nghiêm trọng tại chính khu vực sản xuất, gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động và dân cư sống xen kẽ trong làng.

Cũng cho ý kiến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các làng nghề chính là điểm nóng về môi trường hiện nay. Theo ông Long, số làng ung thư xuất hiện ngày càng nhiều là một thực trạng nan giải về tình trạng ô nhiễm môi trường nhất định cần phải có lời giải thích đáng.

Vì vậy, để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ có tính bền vững. Về lâu dài, việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn được với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. “Đặc biệt, cần mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái”, ông Long nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam