Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nâng cao hiệu quả phòng ngừa , ứng phó sự cố môi trường; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt sự cố gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nằm trong diện giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo kịp thời ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường. Tập trung giám sát đối với các cơ sở công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm kéo dài, đảm bảo các cơ sở hoạt động an toàn về môi trường.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giải quyết các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, góp phần minh bạch hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
Trong đó, các đối tượng nằm trong diện giám sát gồm: Các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chư đầu tư đúng đầy đủ công trình xử lý chất thải theo quy định.
Các cơ sở (bao gồm các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của địa phương) đã nhiều lần bị phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để; đối tượng khác thực hiện giám sát theo chỉ đạo củ Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo kế hoạch, tại khu vực phía Nam, Bộ TN-MT tiếp tục thực hiện giám sát về môi trường đối với các cơ sở công suất lớn, các khu vực hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, thời gian thực hiện giám sát từ năm 2023 - 2025 đảm bảo các cơ sở hoạt động tuân thủ theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải tỉnh Trà Vinh; Trung tâm Điện lực Sông Hậu tỉnh Hậu Giang; Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam; các cơ sở sản xuất luyện thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tập trung giám sát, kiểm tra các cơ sở có nguồn xả thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng sẽ tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 54 Khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn 11 tỉnh: An Giang; Bạc Liêu; Đồng Tháp; Hậu Giang; Long An; Cà Mau; TP. Cần Thơ; Đồng Nai; Kiên Giang; Tây Ninh; Tiền Giang.
Tổ chức khảo sát, làm việc, đánh giá việc thu gom, xử lý chất thải tại 47/117 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 04 tỉnh Bình Dương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; các nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường; lấy mẫu đánh giá chất lượng xả thải, kiến nghị các biện pháp xử lý theo quy định.