Thực phẩm đầu vào tăng khiến các quầy hàng kinh doanh ăn uống cũng tăng giá theo, trung bình từ 2.000-3.000 đồng/món. Như tô bún bò bình thường trước đây có giá 35.000 đồng/tô, nay nhích lên 37.000 đồng; bánh cuốn 25.000 đồng đã tăng lên 28.000 đồng/hộp… “Nguyên liệu đầu vào tăng nên chúng tôi phải tăng theo dù không muốn” – bà Thủy, kinh doanh hàng ăn ở quận 10 nói.
Trong khi đó, dầu ăn - một sản phẩm thiết yếu sử dụng thường xuyên cũng là một loại mặt hàng mà nhiều nội trợ phản ánh rằng giá tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cụ thể, chị Minh Trang (ngụ Q.Tân Bình) cho cũng cho biết: “Nhiều mặt hàng tăng giá không ngờ, mới tháng trước, tôi mua chai dầu ăn chỉ 26.500 đồng/lít, nay đã tăng lên hơn 30.000 đồng/lít; đường cát có giá 15.000 đồng/kg, giờ cũng tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg…
Đại diện Công ty TNHH Meizan CLV (MCC) cho biết giá nguyên vật liệu bột mì đã tăng cao thời gian qua, gây áp lực lớn đến giá bán các sản phẩm của hãng.
Dự kiến từ tháng 5, một số sản phẩm nhóm bột như bột mì, bột chiên xù, bột gia vị của đơn vị này sẽ tăng giá 10% (tăng thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào 20%). Trước đó, trên thị trường các loại bột gia vị, bột làm bánh dùng cho chế biến món ăn hằng ngày của nhiều hãng cũng đã tăng giá từ 7 - 15% tùy mặt hàng.
Dự kiến từ tháng 5, một số sản phẩm nhóm bột như bột mì, bột chiên xù, bột gia vị của đơn vị này sẽ tăng giá 10% (tăng thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào 20%).
Còn về giá thịt, nhiều hộ chăn nuôi khu vực phía Nam cho biết giá heo hơi bán ra chiều 2-5 ở mức 71.000 - 74.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với vài ngày trước đó. Tuy nhiên, giá thịt heo bán ra thị trường hiện không giảm, thậm chí nhiều nơi còn tăng so với tháng trước.
Cụ thể, thông tin từ chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM) cho biết giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra hiện ở mức 90.000 - 103.000 đồng/kg, tăng 6.000 - 8.000 đồng/kg so với mức thấp hơn 1 tháng trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, giá thịt heo, bò được bán lẻ tại nhiều công ty, siêu thị ở TP.HCM như Co.opmart, Vissan... hiện vẫn neo cao so với bình thường với xương đuôi heo phổ biến từ 120.000 - 135.000 đồng/kg, sườn già heo 145.000 - 158.000 đồng/kg, nạm bò 240.000 - 290.000 đồng/kg...
Nhiều hộ chăn nuôi khu vực phía Nam cho biết giá heo hơi bán ra chiều 2-5 ở mức 71.000 - 74.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với vài ngày trước đó. Tuy nhiên, giá thịt heo bán ra thị trường hiện không giảm, thậm chí nhiều nơi còn tăng so với tháng trước.
Hiện giá nhiều loại thủy hải sản cũng neo cao so với các tháng ổn định như cá ba sa ở mức 45.000 - 55.000 đồng/kg, cá điêu hồng (loại sống) 75.000 - 85.000 đồng/kg, mực và tôm 200.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại...
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá thức ăn tăng chủ yếu là do nguyên liệu trong và ngoài nước như bắp, đậu, cám gạo tăng mạnh, từ 20 - 70%. Một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay giá nguyên liệu đầu vào từ tháng 1.2021 đến nay tăng hơn 30%, đẩy giá thành sản xuất cám tăng 12 - 15%, kéo theo giá thành chăn nuôi tăng mạnh. Bộ NN-PTNT cũng đưa ra dự báo giá thức ăn chăn nuôi còn tiếp tục tăng. Ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - nhận định giá gà lông đang ở mức thấp nhưng khả năng sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới, có thể vượt mốc 30.000 đồng/kg.
Với hàng loạt mặt hàng tăng giá, từ rau, dầu ăn, đồ dùng gia vị cho tới bột mì và các loại thịt đều tăng giá. Nhiều bà nội trợ hoang mang vì trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều gia đình tài chính khó khăn, nhiều địa phương giãn cách xã hội, nhiều gia đình, cá nhân gián đoạn công việc và mất đi nguồn thu nhập thường xuyên, thế nhưng tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu đều...tăng.
Trong khi đó, mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương giao các cơ quan chức năng chủ động có phương án hoặc đề xuất với Bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Có chỉ thị bình ổn giá là thế, thế nhưng giá vẫn "sốt", người dân vẫn lao đao. Với những diễn biến giá cả như trên, là một người tiêu dùng và cũng là một người nội trợ, tôi đặt ra câu hỏi các đơn vị trong chuối cung ứng vì sao đã đồng loạt tăng giá thành phẩm? Tăng giá thời điểm này có hợp lý hay không? Và các cơ quan chức năng đã thực hiện trách nhiệm trong việc bình ổn giá cả như thế nào?