Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3588

Hàng ngàn tấn rác thải từ tàu cá đang hủy diệt môi trường biển

Điều đáng lo là rác thải nhựa sau khi được ngư dân thải ra biển sẽ rất khó phân hủy. Mỗi ngày biển phải "nuốt" hàng ngàn tấn rác thải từ các tàu cá. Số rác này không thể tự tiêu hủy, trở thành tác nhân gây hại đến nguồn lợi thủy sản.

Ô nhiễm môi trường biển đe dọa nguồn lợi thủy sản

Rình trạng ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam đang phải đối mặt và ngày càng trở nên nghiêm trọng đe dọa đến sự sống của con người và khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.

Hiện thủy sản là ngành sản xuất chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành góp phần gây ô nhiễm môi trường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng rác, chất thải thải từ hoạt động sản xuất, đánh bắt thủy sản là rất lớn. Trong đó, chỉ riêng các tàu khai thác thủy sản, loại có chiều dài từ 6m trở lên đã phát sinh hơn 64.100 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Chỉ riêng các tàu khai thác thủy sản, loại có chiều dài từ 6m trở lên đã phát sinh hơn 64.100 tấn rác thải nhựa mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, ước tính lượng chất thải rắn từ việc nuôi tôm ra môi trường là 123 tấn/vụ/héc-ta, nước thải hơn 5.000 m3, bùn thải từ hoạt động nuôi cá tra là gần 33,3 tấn (gồm cả bùn và nước).

Cùng với đó, tàu khai thác thủy sản của cả nước có chiều dài từ 6m trở lên đã phát sinh hơn 64.100 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Lượng rác thải thất thoát ra biển chủ yếu từ nguồn sinh hoạt là 2.288 tấn/năm và một phần từ ngư lưới cụ bị mất thụ động…

Điều đáng lo là rác thải nhựa sau khi được ngư dân thải ra biển sẽ rất khó phân hủy, chúng cứ lênh đênh trên biển từ năm này sang năm khác, tạo áp lực lớn cho môi trường biển. Nhất là những vỏ chai nhựa, khi chúng nổi lềnh bềnh trên mặt nước lâu ngày sẽ bị ánh sáng mặt trời làm nóng, chai nhựa sẽ bị vỡ ra nhưng không phân hủy, mà biến thành những phân tử nhựa trôi lẫn trong sóng biển. Các loài cá biển thấy những phân tử nhựa này ngỡ là thức ăn và chúng sẽ “chè chén” những phân tử nhựa mỗi ngày. Những phân tử nhựa này vào bụng cá cũng sẽ không phân hủy, và ắt nhiên sẽ gây hại cho sức khỏe của cá, lâu ngày sẽ khiến cá tử vong.

Với cá, rùa biển cũng thường ăn phải những bì nhựa do ngư dân thải ra trôi lềnh bềnh trên biển, bao bì nhựa nằm trong bao tử cá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Nhiều con cá đánh bắt được mổ bụng ra thấy toàn là bì nhựa. Với lượng rác thải khủng khiếp mà các tàu cá trút xuống đại dương trông mỗi chuyến biển sẽ hủy hoại không biết bao nhiêu là nguồn lợi thủy sản.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP Việt Nam cho biết, khảo sát ở riêng cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có hơn 10.000 chiếc tàu hàng ngày đi ra biển, mang lượng rác thải gồm vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, túi nilon đựng thức ăn rất lớn. Toàn bộ lượng rác thải này đem thả ra biển, đến nay chưa có một tàu nào đem số rác thải này về.

Ông Lai nói: “Rác thải đó để lại dưới lòng biển. Những vụn nhựa khi cá ăn vào sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho cá, mà sẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho chúng ta khi ăn những hải sản này. Chúng tôi nhìn thách thức đó rất nghiêm trọng”.

Thời gian qua, UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Hiện nay Tổng cục Biển và Hải đảo chịu trách nhiệm thực hiện chương trình này. UNDP tham gia với những mô hình cụ thể, đưa ra những giải pháp thực tiễn để chuyển rác thải vào bờ.

Giảm thiểu rác thải nhựa góp phần hướng tới kinh tế biển xanh

Mới đây, Tổng cục Thủy sản đang tổ chức khảo sát, xác định rõ các vấn đề môi trường trọng tâm của ngành, thực hiện các nhiệm vụ về đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Tổng cục cũng lên kế hoạch, đề xuất các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản; phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, viện trường tìm kiếm công nghệ tái chế, xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản; thực hiện các mô hình tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản.

Mục tiêu là giảm tối đa các tác động của quá trình sản xuất thủy sản đến môi trường và khuyến khích các bên liên quan cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường của ngành.

Đơn cử nh trong năm 2022, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF) thực hiện thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản của 25 tàu cá.

Bên cạnh đó, đơn vị lắp đặt 6 thùng rác 3 ngăn phục vụ phân loại rác thải tại nguồn ở Đà Nẵng. Kết quả sau 6 tháng thực hiện thí điểm, lượng rác thải thu gom được là 570 kg bao gồm ngư lưới cụ hỏng, túi ni lông, thùng xốp, chai lọ, vỏ lon bia…

Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế. Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11/2022 là gần 8,2 triệu tấn, đạt 94,3% so với kế hoạch cả năm.

Trong đó, sản lượng khai thác là 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi là 4,6 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2022 đạt 9,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm trên 7% thị phần giao thương thủy sản toàn cầu.

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cần có định hướng đúng đắn về bảo tồn và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. Hy vọng, trong thời gian tới, tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản sẽ từng bước được khắc phục.