Thanh Tâm ·
20 tuần trước
 8929

Hành động của Việt Nam trong việc làm mát bền vững, thân thiện môi trường

Trong khuôn khổ Hội nghị COP28 đã diễn ra Lễ công bố “Cam kết làm mát toàn cầu”. Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết. Trước đó, ta đã có nhiều hành động nổi bật trong việc triển khai các giải pháp làm mát bền vững.

Việt Nam cam kết làm mát bền vững 

Hoạt động làm mát thông thường, chẳng hạn như sử dụng điều hòa không khí, lại gây . hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo làm tăng phát thải khí nhà kính. Con người càng làm mát thì Trái đất sẽ càng nóng lên.

Cam kết làm mát toàn cầu là sáng kiến do Chủ tịch COP28 của UAE đề xuất. Các tổ chức hỗ trợ là Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát - UNEP và các đối tác gồm Sáng kiến năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) và Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). 

Đại diện các quốc gia tham gia Cam kết làm mát toàn cầu.

Theo mục tiêu đề ra, lĩnh vực làm mát toàn cầu phải giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm đóng góp thực hiện giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.

Việc Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này cũng góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. 

Nhiều giải pháp cụ thể được triển khai 

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị và làm gia tăng phát thải khí nhà kính.

Các yêu cầu về làm mát bền vững đã được đưa vào các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2022).  

Triển khai nhiều giải pháp để làm mát thân thiện với khí hậu.

Cục Biến đổi khí hậu và UNEP phối hợp triển khai chương trình hợp tác “Dự án Hành động NDC - Tạo điều kiện thực hiện thích ứng với khí hậu và phát triển các bon thấp phù hợp với các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu toàn cầu”. 4 mục tiêu chính hướng tới gồm: Hỗ trợ xây dựng các kế hoạch đầu tư thân thiện với khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho quốc gia thực hiện NDC, hỗ trợ xây dựng các chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy việc thực hiện NDC trong 2 lĩnh vực ưu tiên là thích ứng với biến đổi khí hậu và làm mát bền vững,  tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác.

2 lĩnh vực ưu tiên được chọn để đẩy nhanh thực hiện NDC bao gồm: Giảm nhẹ - thúc đẩy việc sử dụng phương pháp làm mát đô thị thân thiện với khí hậu các-bon thấp để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng - xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung.

Ngoài ra dưới sự tài sự của Chương trình Hợp tác làm mát bền vững,  Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu triển khai chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam”. 

Chương trình sẽ hỗ trợ thí điểm ba thành phố là TP. Cần Thơ; TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trong việc đánh giá và đề xuất giải pháp về làm mát bền vững. Đồng thời đánh giá nhanh về mức độ sẵn sàng cho giai đoạn đầu tư tiếp theo về làm mát bền vững tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Trước đó Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trước ngày 31/12/2023.

Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2034 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Nội dung Cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.