Việc thiếu dữ liệu nghiêm trọng về số phận của động vật hoang dã được cứu khỏi buôn bán bất hợp pháp đặt ra các yêu cầu cao hơn về thông tin và trách nhiệm giải trình.
Năm 2013, các nhà chức trách tại sân bay chính của Băng Cốc bắt quả tang một đối tượng vận chuyển 54 cá thể rùa lưỡi cày cực kỳ nguy cấp từ Madagascar trong một chiếc vali. Việc thu giữ khoảng 10% quần thể hoang dã loài này đã được loan tin khắp thế giới. Tuy nhiên, những gì xảy ra với chúng sau đó thì không hề được chú ý, Jan Schmidt-Burbach, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về động vật hoang dã và phúc lợi động vật tại tổ chức World Animal Protection cho biết.
Thực tế khá phũ phàng: một nửa số rùa chết ngay sau khi được cứu – đây là điều vô cùng bất ngờ bởi theo Schmidt-Burbach, rùa là loài rất dẻo dai và lẽ ra chúng đã có thể sống sót; số còn lại được đưa đến một trung tâm cứu hộ của chính phủ Thái Lan, tuy nhiên số phận của chúng cũng rất hẩm hiu, chúng cùng một nhóm động vật khác biến mất bí ẩn với một vụ bị nghi là đánh cắp.
Kết cục buồn của 54 cá thể rùa minh họa hai trong số những vấn đề lớn nhất của cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trái phép: sự khan hiếm các quy định đối xử với động vật sau khi chúng được giải cứu và thiếu dữ liệu trầm trọng về những gì xảy ra với chúng sau đó. Chính “sự thiếu minh bạch đối với động vật hoang dã bị tịch thu đã mở ra cánh cửa cho việc rửa tiền và xử lý không phù hợp”, Schmidt-Burbach nhấn mạnh.
Nếu xử lý đúng cách, một số loài có thể được đưa trở lại môi trường tự nhiên của chúng và giúp bổ sung vào quần thể các loài đang bị đe dọa. Tuy nhiên, dường như chúng thường bị nuôi nhốt trong các trung tâm thiếu chuyên môn, kinh phí hoặc không có ý chí chăm sóc chúng đúng cách.
Nhiều khi những cá thể bị tịch thu lại quay trở lại đúng chu trình buôn bán động vật hoang dã, phần vì một số quan chức tham nhũng đã bán chúng trở lại thị trường động vật hoang dã bất hợp pháp, phần vì do thiếu nguồn lực chăm sóc nên có khi động vật được thả hàng loạt dù môi trường có thể phù hợp hoặc không.
Tuy nhiên, có một điểm sáng duy nhất trong tương lai u ám của chúng, đó là người dân thường tìm mua loại rùa lưỡi cày này để nuôi. Bở khi là động vật cảnh, chúng sẽ không thể chết nhanh và dễ dàng như những con vật bị bán cho các nhà hàng hay hiệu thuốc cổ truyền.
Để giải quyết vấn đề này, các điều luật và các báo cáo bắt buộc mà các quốc gia đưa ra cần phải rõ ràng hơn. Ngoài ra, cần xử phạt nặng hơn những trường hợp buôn bán động vật trái phép, các tổ chức liên đới để lọt việc buôn bán động vật trái phép cũng cần bị xử phạt nặng hơn.
Theo thông tin từ baovemoitruong.org.vn