Nếu trước đây, úng ngập chủ yếu xảy ra với các đô thị vùng đồng bằng, thì nay, cả với đô thị miền núi, tình trạng này cũng không còn là điều mới lạ.
Rõ nhất là Đà Lạt. Tình trạng ngập cục bộ của thành phố trên núi cao này đã kéo dài khoảng 10 năm trở lại đây. Năm nào cũng bị ngập. Ban đầu chỉ là những điểm ngập cục bộ gần suối, chỗ trũng, nhưng rồi một số nơi tại trung tâm cũng bị ngập. Mới nhất, chiều 01/9/2022, cơn mưa lớn kèm gió mạnh đổ xuống khu vực giáp ranh TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Nước từ thượng nguồn các con suối chảy về trung tâm Đà Lạt, dâng cao tràn lên đường Phan Đình Phùng, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân... gây ngập nặng. Nhiều đoạn đường ngập gần một mét, xe chết máy, người dân phải dắt bộ.
Đà Lạt - thành phố trên núi cao bị ngập, nếu không có giải pháp hiệu quả thì tình hình sẽ tồi tệ hơn, sẽ khiến thành phố này rơi vào khủng hoảng như nhiều đô thị khác với những “hội chứng” như: khan nước sạch, nóng dần lên, kẹt xe và bây giờ thêm nữa là thành phố ngập nước.
Đà Lạt đang đối mặt với tình trạng mưa thì có lũ; nắng thì hạn, kiệt nước, làm cho không khí Đà Lạt ngày càng khô khốc. Nguyên nhân được chỉ ra là do phát triển đô thị thiếu kiểm soát, canh tác nhà kính, bê tông hóa và rác thải chặn lấp hệ thống thoát nước.
Cơn mưa chiều 1/9/2022 khiến nhiều tuyến phố của TP Đà Lạt bị ngập.
Do đâu mà ngày càng nhiều đô thị vùng cao phải chịu thảm cảnh úng ngập như vậy?! Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ rõ là, do quy hoạch hạ tầng đô thị không tương xứng với việc phát triển xây dựng các khu đô thị. Nhiều nơi, quy hoạch các khu đô thị manh mún đã phá vỡ tổng thể quy hoạch chung, thậm chí là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập lụt.
Đặc biệt, như với Đà Lạt, việc xây dựng với mật độ cao đang đẩy những cánh rừng thông ngày càng xa thành phố, khiến cho nước mưa không thể thẩm thấu. Mỗi khi mưa lớn, nước không kịp thoát đã gây úng ngập.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây lên tình cảnh ngập lụt ở các đô thị miền núi là do tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn tràn lan, “cạo trắng” rừng để lấy đất canh tác, làm thủy điện. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng gia tăng tần suất các đợt lũ quét. Mà trường hợp ở Hà Giang, Thái Nguyên, trong 5 năm trở lại đây là những minh chứng.
Theo TS Nguyễn Minh Hòa - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhiều nước khi xây dựng các thành phố trên núi, họ hầu như không làm hệ thống thoát nước theo kiểu cống hộp kín mà là kênh, mương hở, chỗ nào có dân thì có tấm đan che đậy, còn không thì để trống để dễ bề dọn lá cây, bùn đất tràn vào, còn lại thì triệt để tận dụng giải pháp chảy tràn và tự ngấm. Người dân bình thường, kể cả bà con dân tộc thiểu số, khi làm nhà ở thì không làm trên đỉnh mà ở lưng chừng núi, không bao giờ xâm phạm đến suối, dòng chảy tự nhiên (lấp, hay thu hẹp), không bao giờ làm nhà liền nhau chạy giáp vòng quanh quả đồi hay núi (còn gọi là nhà chạy vành khăn) mà bao giờ cũng có khoảng trống để cho nước và gió có đường thoát.
Khi Đà Lạt mới hình thành, người Pháp khôn khéo nương theo tự nhiên, nhà ở thưa, dân số thấp và không mảy may xâm phạm vào tự nhiên. Họ cho xây dựng chuỗi hồ trong thành phố từ cao xuống thấp, ngoài việc tạo cảnh quan thêm thơ mộng thì những hồ nước nhân tạo này có tác dụng tích nước để phục vụ sinh hoạt của cư dân cũng như điều tiết tốc độ dòng chảy khi xảy ra mưa lớn. Bất cứ một hành động nào phá vỡ hệ thống tiêu thoát tự nhiên vốn có là dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho dân cư.
Do vậy, việc quan trọng có thể làm được lúc này là khơi thông dòng chảy từ nơi bị ngập xuống các vùng trũng, tháo bỏ phần công trình nhà ở lấn chiếm hành lang suối như Cam Ly và các mương hở; nạo vét các mương dẫn và nạo sâu các hồ Vạn Kiếp, Thanh Niên, Tâm Sự, Đa Thiện 1, Đa Thiện 2... để tăng sức chứa. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là Đà Lạt phải tìm đất để đào hồ điều tiết. So với các thành phố lớn thì vùng ngập của Đà Lạt không lớn bằng, cho nên chỉ cần đào 1 - 2 hồ điều tiết rộng chừng 2 - 3 ha là đủ, hồ điều tiết này chính là nơi chứa nước tạm trong những cơn mưa lớn và sau đó có thể tái sử dụng như tưới cây, rửa đường.
Ở các vùng đất có nhà kính có hệ số thấm nước bằng không, tức mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm ny lông không thấm vào đất giọt nào, chính quyền Đà Lạt cần nghiên cứu đưa ra quy định các khu nhà kính này cần có hố chứa nước mưa theo từng thửa lớn hoặc liên thửa, không để nước mưa chảy tràn tự do ra suối kéo theo rác thải, làm tắc dòng chảy của suối, mương.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Hòa, Đà Lạt thay đổi như hiện nay là không ổn, thành phố cần nhanh chóng loại bỏ các nguyên nhân đưa đến hệ quả tiêu cực để giữ được sức hấp dẫn của một thành phố nổi tiếng với thông, sương mù, lạnh giá và vẻ đẹp riêng có của nó.
Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Nhìn chung, tiến trình đô thị hóa trong hai thập kỷ qua ở nhiều đô thị miền núi Việt Nam đã đồng hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước, các cánh rừng lui xa hơn các thành phố.
Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt, mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ. Chính trong sự xoay vần ấy, những giá trị của một đô thị đáng sống như ở Đà Lạt đã bị bỏ qua.
Từ những gì đang diễn ra với các đô thị miền núi Đà Lạt, Thái Nguyên, Sơn La… cho thấy, đó là những bằng chứng của việc con người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm do chính mình gây ra. Một trong những thủ phạm là việc khai thác tài nguyên vô độ cùng sự phát triển thái quá của các đô thị.
Nhưng, mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích các nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mẫu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.
Tất cả những điều đó, với các đô thị kiểu như Đà Lạt, Thái Nguyên, Hà Giang cũng có thể coi là một bài học mà bây giờ, phần nào còn kịp sửa.