Thuỳ Linh ·
3 năm trước
 2699

Hệ lụy từ việc phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc ồ ạt đầu tư, bùng nổ năng lượng điện mặt trời thời gian qua cho thấy rất nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý cao đã bị phá vỡ.

Khó khăn trong đảm bảo cung cấp điện

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong đợt nắng nóng cực đoan diện rộng vừa qua, công suất tiêu thụ lớn nhất đạt 41.208 MW, sản lượng điện ngày cao điểm nhất đạt 837,5 triệu kWh, là mức tiêu thụ điện kỷ lục từ trước tới nay.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng Giám đốc EVN nhận định, cứ bước vào mùa cao điểm nắng nóng, EVN đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện. Tuy nhiên, năm nay có một số khác biệt so với mọi năm.

Cụ thể, tỉ lệ tăng nhanh nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong hệ thống điện quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công công suất đặt của các nguồn điện NLTT khoảng 22.250 MW (bao gồm cả thủy điện nhỏ), chiếm khoảng 31,2% tổng công suất đặt của toàn hệ thống, so với năm 2020 thì quy mô nguồn NLTT đã tăng gấp 2 lần.

Với đặc điểm công suất phát hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp và được ưu tiên cung cấp vào hệ thống điện, công tác điều độ hệ thống điện, công tác vận hành hệ thống lưới điện, vận hành tại các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải khó khăn hơn rất nhiều so với các năm trước đây, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh cung ứng điện cũng như ảnh hưởng đến chi phí chung của toàn hệ thống.

phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, khả năng lây nhiễm cao. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng của EVN. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ điện thay đổi bất thường, ngoài quy luật, khó dự báo để đảm bảo vận hành tối ưu. Một số nhà máy phải dịch chuyển kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa do không có chuyên gia hoặc khó khăn trong việc mua sắm thiết bị. Đặc biệt, tại một số địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, EVN đã phải lên phương án trực ca tập trung, đảm bảo an toàn cho bộ phận trực ca vận hành. Do đặc thù trong công tác vận hành điện, nếu trong nhóm trực ca có người nhiễm Covid-19 thì tình hình sẽ rất phức tạp.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, việc đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn qua là cần thiết, kịp thời bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện than, điện khí chậm tiến độ trong giai đoạn 2021 - 2024, góp phần giảm lượng điện phát dầu (có giá thành cao) trong những tháng phụ tải cao điểm mùa khô. Tuy nhiên, thực tế vẫn phát sinh một số điểm hạn chế như phải đầu tư thêm lưới điện để đấu nối và truyền tải, vận hành lưới điện khó khăn và phức tạp hơn; tăng chi phí chung của hệ thống điện.

Theo EVN, dự kiến trong năm 2021, khoảng 1,3 tỉ kWh điện NLTT sẽ bị cắt giảm, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời do quá tải đường dây 500 kV.

Hệ lụy từ việc phát triển thiếu kiểm soát

Theo số liệu thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW. Trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Do đó, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 đã gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, làm giảm nhu cầu sử dụng điện.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kWh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.

Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện NLTT khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc ồ ạt đầu tư, bùng nổ năng lượng điện mặt trời thời gian qua còn cho thấy rất nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý cao, như điện VII đã bị phá vỡ.

Bên cạnh đó, sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời khiến cho hệ thống truyền tải điện không theo kịp. Bởi để đầu tư đường dây 220 kV thì phải mất 2 - 3 năm, còn đường dây 500 kV phải mất 5 năm. Đó là lý do thời gian vừa qua, điện mặt trời nói riêng và NLTT nói chung không thể huy động hết công suất.

Cũng bởi điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống, với hơn 24% công suất nguồn đặt và có những thời điểm được huy động tới hơn 50% công suất "đã dẫn tới tình trạng phải ngừng, khởi động, thay đổi công suất phát các tổ máy nhiệt điện nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ, độ an toàn của các tổ máy, giảm hiệu suất và phát sinh nhiều chi phí vận hành", ông Vũ Đình Ánh cho hay.

Vì vậy, để nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của hệ thống điện, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan thực hiện giảm phát theo quy định tại các văn bản pháp luật; tiếp tục điều chỉnh giờ phát cao điểm cho các thủy điện nhỏ, nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của các hệ thống nhiệt điện than, tuabin khí.

Đồng thời, về lâu dài, áp dụng các giải pháp lưới điện thông minh hỗ trợ giám sát vận hành lưới điện (AGC, nhà máy điện ảo…); phát triển đồng bộ nguồn - lưới điện; tăng cường hạ tầng SCADA/EMS để giám sát các nguồn điện (chú trọng nguồn điện nhỏ); đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện.

"Việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong khi lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Do đó, lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm", ông Phạm Nguyên Hùng khẳng định. Đồng thời, ông cũng cho biết, trong những thời điểm nhu cầu tiêu thụ cao, ngành điện phải thực hiện duy trì các nguồn điện truyền thống để đảm bảo an ninh hệ thống, do đó dẫn đến quá tải hệ thống nguồn điện. Đó là lý do các nhà máy điện NLTT phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện.

Nguồn