Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 3084

Hệ thống EnergyBin: Biến thực phẩm hỏng thành điện năng

Hệ thống EnergyBin tận dụng thực phẩm bỏ đi và biến nó thành nguồn điện năng có thê sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đây là giải pháp "một mũi tên trúng hai đích" bởi người dân vừa có điện để dùng, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải. Hệ thống này hoạt động như thế nào?

Hệ thống EnergyBin tận dụng loại rác thải như các loại thức ăn thừa và thực phẩm hỏng làm "đầu vào" cho những máy phát điện sử dụng biogas để cung cấp điện cho hệ thống đèn đường, các câu lạc bộ xã hội, phòng tập thể hình, hay công viên.

Theo Báo Tin tức, hệ thống EnergyBin do Công ty Xeon Waste Managers (XWM), có trụ sở tại Pune, thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, phát triển nhằm chuyển đổi rác thải thành năng lượng tái tạo. Ý tưởng biến rác thải thực phẩm thành năng lượng được nhen nhóm từ năm 2017 khi người dân tại khu dân cư Ashok Meadows bị ám ảnh bởi hàng đống rác thải cùng với mùi hôi thối bốc ra từ đường phố xung quanh.

Chủ tịch XWM Jalaj Kumar Chaturvedi cho biết, kể từ khi có hệ thống EnergyBin, các bãi chôn rác thải tại thành phố đã được giảm tải rất nhiều, thậm chí không còn bãi chôn rác nữa. Còn bà Bai Patil, 62 tuổi, sinh sống tại thành phố Pune cho biết, đây là giải pháp "một mũi tên trúng hai đích" bởi người dân vừa có điện để dùng, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải. 

Theo người dân địa phương, mỗi ngày có khoảng 550 - 600kg rác thải thực phẩm được thu gom và đưa vào máy phát điện. Khi chất hữu cơ bị phân hủy sẽ tạo ra một loại khí dễ cháy với hai thành phần chủ yếu là methane và CO2. Khí methane sau đó được điều áp và được dẫn vào một máy phát điện đốt cháy để chuyển thành điện năng. Với khối lượng rác trên, khoảng 50 kWh điện được tạo ra mỗi ngày.

hệ thống energy bin

Hệ thống EnergyBin này do chính cư dân tại Ashok Meadows quản lý và vận hành, nhờ đó người dẫn có thể giải quyết được lượng rác thải lên đến gần 1 tấn/ngày của 550 hộ dân và tránh nguy cơ mắc bệnh do ruồi muỗi và các côn trùng khác. Giá của mỗi máy phát điện này tuy khá cao, ở mức 2,3 triệu rupee (tương đương 31.000 USD), song các chuyên gia cho rằng cũng "đáng đồng tiền bát gạo" để đổi lấy môi trường trong sạch. 

Trước khi có máy phát điện bằng biogas, người dân tại Ashok Meadows phải chi khoảng 550 rupee/ngày (tương đương 7,5 USD/ngày) để vận hành hệ thống đèn đường và các thiết bị khác. Bây giờ, nhờ có hệ thống năng lượng tái tạo này, khoản chi phí này không còn nữa trong khi người dân có thể tiết kiệm 6.000 rupee/tháng từ việc xử lý rác thải. 

Hệ thống EnergyBin có thể giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Điều này giúp bảo vệ môi trường, khiến môi trường sống xung quanh trở nên trong lành và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu giúp giảm các tác hại đến môi trường. Bạn nghĩ sao về hệ thống này?