Thành Phong ·
41 tuần trước
 8999

Hiện tượng sương mù tại Hà Nội không phải do ô nhiễm

Thời gian gần đây tình trạng sương mù đặc quánh tại Hà Nội diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên vào mùa đông do độ ẩm không khí cao.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin y tế quý I/2024 của Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 02/02 cho biết, sương mù là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên do độ ẩm trong không khí tăng cao. 

Hiện tượng trên cũng thường xuyên xảy ra tại các vùng núi cao như Sa Pa, Mù Căng Chải, Nghệ An, Lào Cai. 

"Riêng ở Hà Nội, sáng 2/2 có hiện tượng sương mù dày đặc, làm cản trở tầm nhìn của người dân là khá hiếm trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là một vấn đề của thời tiết và khí hậu, không phải do ô nhiễm môi trường gây ra", ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km. Thông thường sương mù màu trắng, nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám.

Ngày 2/2, Hà Nội ghi nhận tình trạng sương mù dày đặc. Ảnh: Minh họa.

Do ảnh hưởng của sương mù, số liệu thống kê ngày 2/2 tạm thời có 38 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó có 7 chuyến bay Quốc tế. Hiện tại có 5 chuyến bay đã chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay dự bị. Tổng công ty đã thống nhất áp dụng biện pháp ATFM trì hoãn tại mặt đất (GDP) cho các tàu bay còn lại về hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời thông báo cho các cảng hàng không, hãng hàng không để phối hợp thực hiện. 

Cụ thể, các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cần Thơ, Liên Khương, Đà Nẵng, Cam Ranh, Pleiku về Nội Bài sẽ tạm dừng chờ tại sân bay khởi hành, dự kiến chuyến bay có thời gian delay lớn nhất sẽ cất cánh muộn khoảng 50 phút so với giờ khởi hành ban đầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Liên Hương nhận định, thời tiết dày đặc sương mù, ẩm thấp như sáng nay chính là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm như hô hấp, da liễu... phát triển.

Đặc biệt, nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh là người cao tuổi, trẻ em và người mắc bệnh nền.

Bên cạnh đó, hiện tượng sương mù còn lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí nên sẽ gây nguy hại tới sức khỏe con người. Đặc biệt, trong thời điểm cận Tết nhu cầu tập đi lại tăng cao nên nguy cơ lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp cũng gia tăng.

Trong những ngày sương mù dày đặc, để bảo vệ sức khoẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường quá sớm vào buổi sáng, nhất là các đối tượng trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai…

Trường hợp cần phải di chuyển ra khỏi nhà thì nên đợi tan bớt sương mù để các chất độc trong không khí đã bay lên cao.

Khi di chuyển ngoài đường, người dân nên sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương, không nên tập thể dục ngoài trời vào buổi sớm khi có sương mù.

Khi ở trong nhà cần phải hút ẩm, mở điều hòa chế độ sưởi để hạn chế vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh cho gia đình.

Ngoài ra, người dân cần lưu ý không phơi quần áo ngoài trời sương để qua đêm, nên là hoặc sấy khô để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần, nhằm tránh các bệnh lý về da…