Thời gian qua, hoạt động giao dịch bất động sản (BĐS) tại một số địa phương của tỉnh Hòa Bình diễn ra khá sôi động. Với lợi thế nằm ngay sát thủ đô Hà Nội, có quỹ đất rộng nên thị trường BĐS, nhất là các dự án thuộc loại hình đô thị sinh thái cao cấp, đô thị nghỉ dưỡng… ở Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, không chỉ tại Hòa Bình và nhiều tỉnh thành phố khác trên cả nước, thời gian qua xảy ra tình trạng quảng cáo, rao bán dự án “ma” và có diễn biến phức tạp. Trước đó, tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân vẽ dự án “ma” để bán đất nền.
Chính vì thế, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình mới đây có văn bản số: 912 /SXD-QLN&TTBĐS về việc đăng tải thông tin các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong danh sách các dự án BĐS đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn trên địa bàn tỉnh có Dự án Khu đất tái định cư và bán đấu giá tại xóm Ba Nội, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Chủ đầu tư là Bà Nguyễn Thị Kim Lê theo Văn bản số 319/SXD&QLN&TTBĐS ngày 01/02/2021.
Sự chuyển mình của Hòa Bình là kỳ vọng
PGS.TS Trần Kim Chung phát biểu tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của BĐS Hòa Bình”, nhấn mạnh: BĐS du lịch là “chìa khóa” để phát triển của Hòa Bình, thu hút đầu tư vào hạ tầng. “Để người đến, để đại bàng đến, để tiền đến”.
Đồng thời, chính quyền Hòa Bình cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 9% trở lên; Tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là quyết tâm lớn và là cơ sở vững chắc để thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình có cơ hội bứt phá.
Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính cũng cho hay: “Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, sự phát triển về hạ tầng, kinh tế đã thúc đẩy nhiều khu vực tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó. Trong tương lai, Hòa Bình sẽ là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược”.
Đại diện VME - đơn vị phát triển dự án Takara Hoa Binh Resort nhận định: “Hoàn toàn có niềm tin và kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Hòa Bình sẽ tương tự như Quảng Ninh, nơi trước đây cũng chủ yếu là du lịch một mùa, điều này nhờ vào chính sách và sự đầu tư đúng đắn của địa phương chỉ trong một thời gian ngắn”.
Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, trước kia các nhà đầu tư còn e dè có nên mua BĐS tại Hòa Bình hay không khi địa phương còn khá hoang sơ, thiếu những điểm đến nghỉ dưỡng quy mô lớn, hạ tầng giao thông còn thiếu thốn thì đến hiện tại việc sở hữu một bất động sản tại Hoà Bình, đặc biệt tại các “điểm nóng” như Lương Sơn, TP Hòa Bình hay Đà Bắc đã chứng tỏ tiềm lực tài chính của chủ nhân.
“Nhìn vào những ông lớn địa ốc cùng hội tụ tại đây như Sun Group, Apec Group, Vingroup, Flamingo, T&T… chứng kiến hàng triệu lượt khách đổ về mỗi năm, giới đầu tư đã không còn bất cứ nghi ngại về tiềm năng thịnh vượng của vùng đất này”, nhà đầu tư tại Hà Nội nhấn mạnh.
Luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis nhận định, quá trình quản lý, giám sát và theo dõi thực trạng về công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương lỏng lẻo, thậm chí có tình trạng tiêu cực, cán bộ làm ngơ cho sai phạm, việc chậm trễ, đẩy trách nhiệm của cơ quan công an khi cho rằng những vụ lừa đảo bất động sản xảy ra khi là giao dịch dân sự để không xử lý… đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty được cho là chủ đầu tư, môi giới bất động sản lộng hành.
Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư các dự án.
Bùi Hằng (T/h)
Nguồn: Kinh tế Môi trường