Song Vũ ·
1 năm trước
 2566

Hoàn thiện xây dựng Quy chuẩn Việt Nam về môi trường

Đến nay, Tổng cục Môi trường đã xây dựng được 5 dự thảo QCVN về chất lượng môi trường. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện, kế thừa các nội dung của QCVN hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Theo Tổng cục Môi trường, đến nay, cơ quan này đã xây dựng được 5 dự thảo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về chất lượng môi trường và QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân huỷ trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá và thiết bị; QCVN về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành. Trong đó, nhóm QCVN về chất lượng môi trường bao gồm: QCVN về chất lượng nước mặt; QCVN về chất lượng nước dưới đất; QCVN về chất lượng nước biển; QCVN về chất lượng không khí xung quanh; QCVN về giới hạn tối đa cho phép của một số chất ô nhiễm trong đất.

Ngoài ra, với nhóm QCVN về chất lượng môi trường, điểm nổi bật khi xây dựng các dự thảo các Quy chuẩn này là các nhóm soạn thảo đã học tập kinh nghiệm xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Hàn Quốc. Toàn bộ cách tiếp cận về quy định trong các bản dự thảo quy chuẩn đều được xây dựng theo các tiêu chuẩn chất lượng môi trường của Hàn Quốc. Dự thảo đã bổ sung thêm các quy định về thông số, ngưỡng thông số trong các tiêu chuẩn Hàn Quốc mà quy chuẩn hiện hành của Việt Nam chưa quy định. Đồng thời, kế thừa các nội dung của QCVN hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Hàng loạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quan trọng về môi trường đã tạo ra những khuôn khổ quan trọng trong quản lý môi trường.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 – 2022, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên tục được rà soát, sửa đổi và ban hành, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn với 13 QCVN, 59 TCVN về môi trường được xây dựng và ban hành.

Hàng loạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quan trọng về môi trường đã tạo ra những khuôn khổ quan trọng trong quản lý môi trường. Có thể kể đến QCVN về chất lượng không khí xung quanh; QCVN về chất lượng môi trường đất; QCVN về chất lượng môi trường nước mặt; QCVN về chất lượng môi trường nước dưới đất; QCVN về chất lượng môi trường nước biển; QCVN về khí thải công nghiệp; QCVN về nước thải công nghiệp; QCVN về nước thải chăn nuôi; QCVN về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN về môi trường đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN về nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị.

Được biết, một số địa phương cũng đã ban hành quy chuẩn địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên... Trong đó, tỉnh Ninh Bình đã ban hành 2 Quy chuẩn: QCĐP 01:2020/NB - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp, QCĐP 02:2020/NB - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng.

Quảng Ninh cũng đã ban hành 06 Quy chuẩn: QCĐP 01:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước mặt, QCĐP 02: 2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước biển ven bờ, QCĐP 03:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp, QCĐP 04:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng không khí xung quanh, QCĐP 05:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, QCĐP 07:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng.

Trong khi đó, Hưng Yên đã ban hành 02 quy chuẩn: QCĐP 01: 2019/HY- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, QCĐP 02:2019/HY- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp.

Liên quan đến quá trình xây dựng QCVN về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, Tổng cục đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế việc đo khí thải phương tiện ô tô, nghiên cứu, rà soát kinh nghiệm quốc tế và phối hợp với các chuyên gia xây dựng dự thảo và gửi lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị liên quan. Nội dung quy chuẩn quy định trong Quy chuẩn được rà soát, sửa đổi dựa trên ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, đơn vị có liên quan. Dự thảo đã nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định kỹ thuật các thông số khí thải và quy định quản lý.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Các Quy chuẩn môi trường của Việt Nam chính là cơ sở để thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, Tổng cục Môi trường cần học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đồng thời, xem xét điều chỉnh các thông số trong các Quy chuẩn để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Khoa học Công nghệ khẩn trương thẩm định, có ý kiến góp ý vào dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân huỷ trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá và thiết bị và dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để Tổng cục Môi trường chỉnh sửa, sớm hoàn thiện dự thảo.