Đinh Hà ·
3 năm trước
 3446

Hoạt động của con người là tác nhân chủ yếu gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các thảm họa khí hậu như lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi trên thế giới nhưng lại có mối liên hệ với nhau nhiều hơn. Và hoạt động của con người là tác nhân chủ yếu gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đây là kết quả nghiên cứu từ Đại học Liên Hợp Quốc, chi nhánh học thuật và nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, khi tiến hành xem xét 10 thảm họa khác nhau xảy ra vào năm 2020 và 2021.

Hệ quả do ảnh hưởng của con người

Nghiên cứu được xây dựng dựa trên đánh giá đột phá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc được công bố ngày 9/8, và dựa trên dữ liệu cải thiện về hệ thống sưởi trong lịch sử. Qua đó cho thấy rằng ảnh hưởng của con người đã làm khí hậu ấm lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất là 2.000 năm qua. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả báo cáo của IPCC là “mã đỏ đối với nhân loại”.

ấn độ

Cơn bão Amphan đổ bộ vào miền đông Ấn Độ. (Ảnh: UN News)

Giai đoạn 2020-2021, một số thảm họa kỷ lục đã xảy ra, bao gồm đại dịch Covid-19, một đợt lạnh làm tê liệt bang Texas của Hoa Kỳ, cháy rừng đã phá hủy gần 5 triệu mẫu rừng nhiệt đới Amazon, và 9 cơn bão lớn ở Việt Nam, chỉ trong vòng 7 tuần.

Trong khi những thảm họa này xảy ra cách nhau hàng nghìn dặm, nghiên cứu cho thấy chúng có mối liên quan với nhau và có thể gây ra hậu quả cho những người sống ở những nơi xa thảm họa.

Điển hình là đợt nắng nóng gần đây ở Bắc Cực và đợt lạnh ở Texas (Mỹ). Theo đó, vào năm 2020, Bắc Cực trải qua nhiệt độ không khí cao bất thường và lượng băng biển bao phủ thấp thứ hai trong kỷ lục.

Nhiệt độ này đã làm mất ổn định vùng xoáy cực, một khối không khí lạnh xoay xung quanh Bắc Cực, cho phép không khí lạnh hơn di chuyển xuống phía Nam vào Bắc Mỹ, làm cho nhiệt độ tại Texas dưới mức 0 độ C, khiến toàn bộ lưới điện bị đóng băng và 210 người chết.

tuyết

Thời tiết khắc nghiệt ở Texas đã gây ra những cơn bão tuyết trái mùa dẫn đến mất điện trên diện rộng. (Ảnh: Unsplash/Matthew T.Rader)

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa các thảm họa và đại dịch Covid-19, đặc biệt là cơn bão Amphan đã đổ bộ vào khu vực biên giới của Ấn Độ và Bangladesh.

Tại một khu vực có gần 50% dân số sống dưới mức nghèo khổ, đại dịch Covid-19 và các phong tỏa tiếp theo đã khiến nhiều người không còn cách nào để kiếm sống.

Trước ảnh hưởng của cơn bão Amphan đổ vào khu vực này, nhiều người lo ngại khu vực trú bão đang dùng để cách ly và vệ sinh môi trường nên đã tránh các nơi trú ẩn và quyết định tránh bão ở những địa điểm không an toàn. Hậu quả là số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Cùng với đó, 100 trường hợp tử vong do bão Amphan trực tiếp gây ra, gây thiệt hại hơn 13 tỉ USD và khiến 4,9 triệu người phải di cư.

Nguyên nhân sâu xa

Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc xác định ba nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến hầu hết các thảm họa khí hậu trong phân tích, bao gồm: phát thải khí nhà kính do con người gây ra, quản lý rủi ro thiên tai không chặt chẽ và đánh giá thấp chi phí và lợi ích môi trường trong quá trình ra quyết định.

myanmar

Các trại tị nạn ở Cox's Bazar là trại tị nạn lớn nhất thế giới, tiếp nhận 860.000 người Rohingya từ Myanmar. (Ảnh: Liên Hợp Quốc)

Nguyên nhân đầu tiên trong số này là khí thải nhà kính do con người gây ra, được xác định là một trong những nguyên nhân khiến Texas trải qua nhiệt độ đóng băng. Bên cạnh đó, lượng khí thải này cũng góp phần hình thành các siêu lốc xoáy như Amphan, ở phía bên kia thế giới.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc quản lý rủi ro thiên tai còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến Texas phải chịu thiệt hại lớn về người và cơ sở hạ tầng trong thời kỳ giá rét, đồng thời gây thiệt hại lớn do lũ lụt miền Trung gây ra tại Việt Nam.

Báo cáo cũng cho thấy tốc độ phá rừng kỷ lục ở Amazon có liên quan đến nhu cầu tiêu thụ thịt cao trên toàn cầu. Do đó, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về đậu nành, được sử dụng làm thức ăn gia súc cho gia cầm. Kết quả là các khu rừng đang bị chặt phá ngày càng nhiều.

Jack O'Connor, nhà khoa học thuộc Đại học Liên Hợp Quốc, một trong những tác giả của báo cáo nhấn mạnh: “Những thảm họa thiên nhiên đang xảy ra trên khắp thế giới có mối liên hệ với nhau nhiều hơn những gì con người có thể nhận ra, và chúng cũng liên quan đến hành vi cá nhân. Hành động của chúng ta mang lại hậu quả cho tất cả mọi người trên thế giới”.

Theo ông O'Connor, các giải pháp cũng có mối liên hệ với nhau, tương tự như mối liên quan của các thảm họa thiên nhiên. Chính vì vậy, việc cắt giảm phát thải các khí nhà kính có hại sẽ tác động tích cực đến kết quả của nhiều loại thiên tai khác nhau, ngăn chặn sự gia tăng hơn nữa tần suất và mức độ nghiêm trọng của các mối nguy hại, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Nguồn