Hà Lan ·
3 năm trước
 2258

Hướng tới “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5

Năm 2021 này, WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Qua đó, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập Ngày Thế giới không thuốc lá vào năm 1987 nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu đối với nạn dịch thuốc lá và những tác hại gây chết người của nó. Đây là dịp để nhấn mạnh các thông điệp về kiểm soát thuốc lá cụ thể và tăng cường tuân thủ Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Hút thuốc là nạn dịch số một có thể ngăn chặn được mà cộng đồng y tế phải đối mặt. 

Các nhà khoa học đã tìm ra khoảng 2.550 hợp chất trong thuốc lá và hơn 4.000 hợp chất trong khói thuốc lá. Nhiều hợp chất trong số này có độc tính cao và ảnh hưởng lâu dài không chỉ lên sức khỏe người dùng mà còn cả những người vô tình hít phải khói thuốc. Cụ thể, trong thuốc lá có nhiều hợp chất nguy hại như nicotine, nitrosamine, chất cực độc polonium-210... và hơn 40 chất có thể gây ung thư khác. Khói thuốc lá có chứa carbon monoxide (CO), thiocyanate, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và dư lượng thuốc trừ sâu... ảnh hưởng đến hầu hết mọi tế bào sống, thúc đẩy bệnh tật và ức chế khả năng miễn dịch.

WHO nhận định thuốc lá có thể làm tổn thương gần như mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm: phổi, tim, mạch máu, cơ quan sinh sản, miệng, da, mắt, xương... Ngoài việc tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh ung thư như miệng, vòm họng, cổ tử cung, gan, thận, tuyến tụy, ruột kết…, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML); gây viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng; gây hại cho tim và mạch máu; làm suy giảm chức năng khứu giác, vị giác; tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại 2, lão hóa sớm...

cam kết bỏ thuốc lá

Nhằm giảm tỉ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Đặc biệt, trong thông điệp mới đây nhân ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: “Người tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn 50% so với người bình thường”. Nguyên nhân chính, SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19) tấn công vào phổi là chủ yếu, trong khi hút thuốc lá (cả chủ động và thụ động) khiến phổi dễ bị tổn thương hơn.

Nguyên nhân khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm

Trong thế kỷ 20 trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá (Theo thống kê của WHO). Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch … Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá tại Việt Nam là 47,4%.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/ năm vào năm 2030. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương.

Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khỏi thuốc lá tại nơi làm việc.

Tác hại của thuốc lá điện tử

Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai: Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ, gây ra sinh non và thai chết lưu. Đối với thanh, thiếu niên: Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn liên quan đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương phổi.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường