Bích Ngọc ·
2 năm trước
 1468

Hướng tới mục tiêu “kép” của tín dụng xanh

Tăng trưởng kinh tế luôn có những tác động nhất định đến môi trường và xã hội. Vì thế vai trò của các tổ chức tín dụng chính là nâng cao xu hướng tín dụng xanh để hạn chế rủi ro, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái.

Cách đây khoảng 5 năm, tín dụng xanh vẫn là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi đời sống của người dân được nâng cao, môi trường cũng phải chịu những tác động nghiêm trọng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua bán. Thời điểm này tín dụng xanh mới được mọi người đặc biệt chú ý vì tất cả đều muốn hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Bước chuyển mình này cũng là cần thiết không chỉ đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại mà còn tác động đến người dân và doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu đang là bài toán lớn khiến cả thế giới phải lần tìm giải pháp và khắc phục những hậu quả đối với môi trường xung quanh. 

Tín dụng xanh hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã được biết đến từ lâu trên thế giới và khi xuất hiện ở Việt Nam, hình thức vay vốn này mang lại cho các doanh nghiệp cơ hội để đầu tư vào các mục đích chính đáng, góp phần cải thiện và bảo vệ hệ sinh thái chung. Tín dụng xanh là khoản vay nhằm phục vụ các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch, hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tín dụng xanh là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt đối với các ngân hàng, việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng xanh sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực như giảm các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và xây dựng hình ảnh thương hiệu uy tín trên thị trường. 

Đối với kế hoạch bảo vệ môi trường, phát triển và phát triển bền vững kinh tế - xã hội thì các tổ chức tín dụng là một mắt xích quan trọng. Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24.3.2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ một trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.

Điều này góp phần mang đến một hướng đi mới, có tính tất yếu giúp khôi phục các dự án, công trình và chú ý đến trách nhiệm đối với hệ sinh thái. Nhờ vào việc củng cố và tăng cường các hoạt động hỗ trợ vay vốn các gói tín dụng xanh mà các doanh nghiệp đã có những khởi sắc, bước ngoặt thay đổi cơ chế hoạt động nhằm mang đến sự phát triển và phát triển bền vững.

Tín dụng xanh là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Chặng đường để triển khai tín dụng xanh, đồng bộ hóa các chính sách cấp tín dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ gặp một số cản trở. Nhưng đó cũng chính là thử thách để mỗi doanh nghiệp thể hiện và khẳng định tầm vóc, sứ mệnh của mình. Mỗi một công dân trong giai đoạn chuyển đổi số cũng góp một phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hình thức tín dụng xanh phổ biến, lan rộng và được áp dụng ngày càng nhiều đối với thực tiễn. 

Sự đồng hành của các ngân hàng trong quá trình doanh nghiệp lựa chọn, triển khai và áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh hóa cần được sát sao, quan tâm hơn nữa. Chúng ta có thể tiến gần hơn đến sự phát triển bền vững khi và chỉ khi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường. Môi trường xanh cũng chính là biểu hiện của nền kinh tế xanh.

Chính sách tín dụng xanh vẫn cần thời gian để đồng bộ và hoàn thiện khung hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng và khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản xuất theo định hướng mới - kinh tế xanh. Điều này cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo tính hiệu quả từ giải pháp tín dụng xanh.